Triệu chứng và cách phòng, điều trị bệnh trĩ

icon
09:03 ngày 11/07/2018

VTV.vn - Bệnh trĩ hình thành do sự phình dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Máu đi đến đây không lưu thông được, gây ứ đọng làm tĩnh mạch,phình ra.

Triệu chứng bệnh trĩ

- Đại tiện ra máu: triệu chứng này xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, có khi vài giọt, có khi thành tia (máu tươi) và ngừng chảy khi đi ngoài xong.

- Đau hậu môn: người bệnh có thể không đau mà chỉ có cảm giác cộm, khó chịu hoặc vướng. Một số trường hợp đau thực sự nếu bị tắc tĩnh mạch. Đau khiến bệnh nhân không ngồi ngay ngắn trên ghế hoặc ngồi một bên mông.

- Sa lồi búi trĩ: lúc đầu tình trạng chỉ xuất hiện khi đi ngoài rồi tự co hồi, tuy nhiên sau tái diễn nhiều lần liên tiếp, búi trĩ tụt xuống không co lên được.

- Người bệnh có cảm giác ngứa, khó chịu ở ngoài hậu môn do hậu quả của quá trình viêm.

- Thiếu máu: tùy theo mức độ và thời gian chảy máu mà thiếu máu nhiều hay ít.

Biểu hiện bên ngoài: Trĩ sa ra ngoài (sa búi trĩ hoặc sa niêm mạc hậu môn), nội soi trực tràng dễ thấy vùng tổn thương, có hiện tượng tắc mạch, giảm khả năng co thắt cơ vòng hậu môn. Ngoài ra, còn có các tổn thương kèm theo bệnh trĩ như: áp xe, dò hoặc nứt hậu môn, ung thư hậu môn trực tràng.

Triệu chứng và cách phòng, điều trị bệnh trĩ - Ảnh 1.

Người mắc bệnh trĩ thường có triệu chứng như đại tiện ra máu, đau hậu môn, ngứa, khó chịu

Phòng ngừa bệnh trĩ

Để phòng ngừa bệnh trĩ bạn cần:

Ngăn ngừa táo bón: Táo bón là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ. Để ngăn ngừa táo bón bạn nên ăn nhiều chất xơ, đi lại nhiều,... Trong trường hợp táo nặng, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc làm mềm phân hoặc chế phẩm bổ sung chất xơ.

Điều chỉnh thói quen ăn uống:

+ Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà.

+ Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.

+ Uống nước đầy đủ

+ Ăn giàu chất xơ từ hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám.

Vận động thể lực, thường xuyên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…

Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ…

Điều trị bệnh trĩ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hằng - Chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện Thu Cúc: tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà có thể điều trị theo phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa:

Phương pháp nội khoa: Người bệnh có thể dùng kết hợp nhiều loại thuốc như thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc trợ tĩnh mạch, thuốc đặt, thuốc bôi, thuốc nhuận tràng...(nhiều thuốc và nhiều tác dụng phụ).

Phương pháp ngoại khoa

+ Thủ thuật chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại.

+ Phẫu thuật cắt trĩ từng búi, cắt trĩ vòng, cắt trĩ sa bằng stapler (phẫu thuật Longo, PPH...).

Các phương pháp trên được chỉ định cho trĩ nội ở độ 4, cuối độ 3 và trĩ ngoại có biến chứng, trĩ vòng sa. Để điều trị bằng các phương pháp phù hợp, người bệnh cần được thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục