Những điều cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch tay

icon
03:21 ngày 02/06/2018

VTV.vn - Giãn tĩnh mạch tay tuy không nguy hại đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng rất lớn về thẩm mỹ cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy tại sao bị giãn tĩnh mạch tay?

Suy giãn tĩnh mạch tay là gì?

Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chi dưới, tuy nhiên nó cũng xuất hiện ở những nơi khác trong cơ thể: tay, tinh hoàn, thực quản…

Suy giãn tĩnh mạch tay là tình trạng các tĩnh mạch vùng tay (chi trên) bị suy yếu và giãn to ra, thường xuất hiện nhiều ở vùng cổ tay trở xuống.

Nguyên nhân nào gây suy giãn tĩnh mạch tay?

Các yếu tố trực tiếp làm giãn thành tĩnh mạch:

Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, do cơ thể lão hóa (khi lớn tuổi các liên kết colagen cấu tạo nên hệ cơ trong cơ thể bị lỏng lẻo dẫn đến hình thành nếp nhăn, và các cơ quan trong cơ thể đều bị lão hóa), bàn tay mất trữ lượng mỡ và cơ.

- Nước nóng, hơi nóng (ngâm tay trong nước nóng, đứng lò, hoặc phơi tay trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời…)

- Sử dụng thức uống chứa cồn (uống rượu, bia…).

Những điều cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch tay - Ảnh 1.

Thuốc thay đổi nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch tay

- Các nội tiết tố như: uống thuốc ngừa thai, nội tiết tố hormone trong lúc mang thai, nội tiết tố thời kì mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt … PGS,TS.,Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh - BV Thu Cúc cho biết:"Ở phụ nữ khi mang thai, sự thay đổi hoocmone làm cho tất cả các bộ phận trong cơ thể mềm ra ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống thành tĩnh mạch. Lúc này tĩnh mạch rất dễ bị giãn ra do bị chèn ép cản trở lưu thông máu".

- Tập luyện các môn thể thao với sức nặng (nâng đẩy tạ…), mang vác vật nặng cũng là nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch tay.

- Để tay ở một vị trí trong thời gian lâu: đè lên cánh tay khi ngủ, gập tay quá lâu…

- Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu kết luận rằng những người trong cùng huyết thống bị suy giãn tĩnh mạch tay sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 1,5 đến 2 lần người bình thường.

- Các yếu tố dinh dưỡng: chế độ ăn nghèo nàn chất xơ (ít rau xanh, củ, quả …), thiếu vitamin C, Vitamin E …, thói quen uống ít nước.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch tay

Điều trị bằng phương pháp nội khoa: sử dụng thuốc làm bền thành mạch được chiết xuất từ thiên nhiên (cao dẻ ngựa, hoa hòe), thay đổi thói quen ăn uống (ăn nhiều rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin C); sử dụng vớ y khoa cho tay…, không dùng tay bưng bê, xách các vật quá nặng, không thức khuya, không sử dụng thức uống có cồn hoặc gas…

Điều trị bằng phương pháp ngoại khoa: phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch giãn (chích xơ), phương pháp này được chỉ định khi bạn thất bại với phương pháp nội khoa hoặc do bạn muốn nhanh hết do vấn đề thẩm mỹ.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh cần thăm khám sớm ngay khi có các triệu chứng bệnh, đồng thời lựa chọn cơ  sở y tế uy tín, chất lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục