Chảy máu cam ở người già: Nguyên nhân và cách xử trí

PV, icon
08:14 ngày 27/07/2018

VTV.vn - Chảy máu cam là một cấp cứu thường gặp trong chuyên ngành tai mũi họng, nhất là ở người cao tuổi.

Ở người cao tuổi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam, vì thế cần tìm hiểu chính xác để kịp thời xử trí điều trị hiệu quả.

Chảy máu cam ở người già nguyên nhân do đâu?

Theo BS, Thầy thuốc ưu tú Dương Văn Tiến - BV Thu Cúc: "Người cao tuổi dễ bị chảy máu mũi nhiều do sự lão hóa của hệ tim mạch; sự già đi và dẫn đến teo nhỏ của các mô, mạch máu; sự khác nhau của các chu trình sinh học liên quan tới tạo máu và đông máu."

- Sống trong môi trường có độ ẩm kém hoặc do không khí khô dẫn đến các màng nhầy trong vách ngăn của mũi bị mất tính năng đàn hồi gây ra hiện tượng chảy máu cam.

- Có thể do hiện tượng huyết áp tăng cao đột ngột làm tổn thương thành mạch hoặc do thời tiết khô hanh,...

- Mùa hè thời tiết nắng nóng sẽ làm cho các mạch máu, cấu trúc mũi bị vỡ gây ngứa ngáy. Lúc này người già lấy tay gãi ngứa sẽ làm tổn thương tới các mạch máu gây chảy máu cam.

- Một số nguyên nhân khác do sự thiếu hụt vitamin C, các bệnh lý di truyền dẫn đến thay đổi trong cấu trúc của thành mạch máu, tình trạng viêm mạch máu,... Những bất thường này làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến chảy máu, nguy hiểm hơn là hiện tượng chảy máu cam ban đêm.

Xử trí chảy máu cam ở người già như thế nào?

Đầu tiên, tránh ngửa đầu ra phía sau, thay vào đó hãy cúi đầu về phía trước để tránh máu chảy ngược xuống họng. Thở bằng mũi một cách nhẹ nhàng để loại trừ những cục máu gây cản trở các mạch máu làm khó thở.

Chảy máu cam ở người già: Nguyên nhân và cách xử trí - Ảnh 1.

Người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời hiệu quả

Dùng hai ngón tay bóp vào phần mềm bên ngoài của mũi cho máu ngừng chảy và giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 phút. Nếu nặng hơn, nên nhét một miếng vải dài, sạch ấn chặt vào mũi rồi chuyển người bệnh ngay đến nơi cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để cầm máu và tìm nguyên nhân giải quyết triệt để.

Đối với một số người cao tuổi đang mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc aspirin, wafarin, ibuprofen... có thể bị tác dụng phụ mà dẫn đến chảy máu cam; hoặc người cao tuổi mắc một số bệnh cấp tính như sởi, cúm, sốt xuất huyết, thương hàn, bệnh tim mạch, viêm cầu thận..., nếu chảy máu cam tái phát hoặc sau khi thực hiện những cách trên vẫn không ngưng chảy, cần đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn cụ thể.

Ngoài ra, để phòng chảy máu cam khi xì mũi, nên xì nhẹ từng bên một để không làm mũi bị căng ra. Khi hắt hơi, không nên ngậm miệng lại, nếu không sẽ tạo sức căng cho các mạch của mũi dễ chảy máu cam.

Người cao tuổi cần tránh va chạm gây chấn thương cho mũi, không dùng tay để ngoáy mũi. Hàng ngày, nên ăn nhiều trái cây và rau củ tươi để cung cấp thêm vitamin. Có thể uống thêm viên bổ sung vitamin C để làm khỏe các mạch máu, vitamin K giúp kiểm soát việc chảy máu. Uống đủ nước để tránh khô mũi nhất là về mùa hanh khô, mùa lạnh. Không ăn đồ cay, nóng, không uống rượu. Duy trì độ ẩm hợp lý trong nhà để tránh hít thở không khí hanh khô vào mùa lạnh và ngột ngạt vào mùa nóng để phòng chảy máu cam. Nếu mắc một số bệnh liên quan đến viêm mũi, xoang cần điều trị triệt để.

Cùng chuyên mục