Nguyên nhân gây nóng gan và những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng

P.V, icon
06:51 ngày 23/08/2018

VTV.vn - Nóng gan là một trong những biểu hiện bệnh lý ở người đang mắc bệnh về gan. Nguyên nhân là do chức năng tiêu độc của gan và chức năng bài tiết của thận suy giảm.

Nguyên nhân nóng gan

Được chia làm hai nhóm: Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài:

- Nguyên nhân bên trong

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Bệnh viện Thu Cúc: " Nóng gan xảy ra do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu khiến chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm cho độc chất bị tích tụ lại. Những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng...".

- Nguyên nhân bên ngoài

+ Sử dụng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh).

+ Uống nhiều bia rượu, hút nhiều thuốc lá: Khi sử dụng quá nhiều chất kích thích như bia, rượu sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan chẳng hạn như men gan tăng, viêm gan, thận...

+ Ăn uống không điều độ, ăn những thực phẩm quá nhiều năng lượng như: thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt... Chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể.

+ Làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức...

Nguyên nhân gây nóng gan và những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng - Ảnh 1.

Nóng gan gây ngứa ngáy, nổi mụn,... ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng

-Thực phẩm nên dùng

Protein (chất đạm): Đây là chất vô cùng quan trọng đối với người bệnh viêm gan. Mỗi người cần bảo đảm 1g protein/kg cơ thể/ngày. Trong đó 50% lượng protein này do ngũ cốc và rau quả cung cấp vì thế chỉ còn 50% là lấy từ thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như đậu phụ... như vậy có nghĩa là mỗi ngày bạn chỉ cần ăn 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng và cốc sữa là đủ.

Protein từ cá và sữa bò thường rất tốt cho người yếu gan vì chúng dễ tiêu hóa. Trong sữa bò tươi hoặc sữa bột pha tương ứng có khoảng 3,7% chất đạm và 3,5% chất béo. Chất béo trong sữa bò thuộc loại khó tiêu hóa vì thế người yếu gan không nên uống nhiều sữa.

Chất béo: Người bệnh gan nên giảm các chất béo, kiêng ăn các món rán, nhưng không có nghĩa là kiêng hẳn chất béo. Một nghiên cứu cho thấy: ăn nhiều chất béo cùng với giảm protein và bột đường làm gia tăng quá trình xơ gan ở người viêm gan siêu vi C. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chứng minh rằng chất lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng gà và đậu mè các loại chứa nhiều acid béo, omega 3 rất tốt cho người mắc bệnh viêm gan mạn tính kể cả viêm gan siêu vi A, B, C.

- Đối với trứng: Có nhiều ý kiến khuyên kiêng trứng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Lòng đỏ trứng giàu chất béo nhưng chất béo này là phosphatidylcholin (lecithin) rất tốt cho gan. Bên cạnh đó trứng chứa lượng sinh tố nhóm B, nếu 1 ngày ăn 1 lòng đỏ trứng gà có nghĩa là đáp ứng 1/3 nhu cầu vitamin của cơ thể. Như vậy trừ những người bị dị ứng với trứng, người viêm gan có thể cách ngày ăn một quả trứng luộc.

- Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan. Mỗi ngày bạn cần bảo đảm đủ rau quả tươi (rau xanh 200g + củ quả non 1.000g + quả chín tươi 200g).

Những thực phẩm người bệnh gan nên tránh

Các thức uống có nhiều chất cồn (rượu, bia...), thuốc lá, tránh ăn những thực phẩm ôi thiu, nhiễm hóa chất, tránh lao động quá sức.

Người bệnh gan cần chú ý ăn uống hợp lý, không được ăn dư thừa hoặc đưa các chất độc hại vào cơ thể. Nguyên tắc ăn uống hằng ngày là chọn thức ăn dễ tiêu và không kiêng quá mức sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể.

Ngoài tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh nên thăm khám định kỳ, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục