Giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/10/2024 12:56 GMT+7

VTV.vn - Với ngành thủy sản, dù chịu nhiều ảnh hưởng của cơn bão số 3, tuy nhiên theo dự đoán xuất khẩu trong năm 2024 của nước ta vẫn sẽ đạt mức trên 10 tỉ USD.

Giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản

Từ nay cho tới cuối năm, lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những quy định mới của châu Âu. Các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này sẽ phải tuân thủ những tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm. Chính vì thế, để giữ vững thị trường, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe này và đặc biệt là không có dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Với định hướng bền vững cho con người, môi trường và ngành tôm, Công ty TNHH Việt - Úc Phù Mỹ đảm bảo 100% không dùng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, cho ra thị trường con tôm hoàn hảo và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của những thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Việt - Úc Phù Mỹ, Bình Định cho biết: "Chúng tôi áp dụng quy trình nuôi Biofloc, quy trình rất thân thiện với môi trường, giảm phát thải, sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát hoàn toàn chất lượng nước, hạn chế thải chất thải ra ngoài môi trường, nói không với kháng sinh, sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi".

Là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công ty này luôn đặt tiêu chí an toàn thực phẩm lên hàng đầu trong suốt quá trình sản xuất.

Với sản lượng ốc hương thương phẩm xuất ra thị trường hàng năm khoảng 300 tấn, công ty có doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Ông Trần Sơn Nhật - Giám đốc Công ty Thiên Nam, TP. Quảng Ngãi, Quảng Ngãi chia sẻ: "Không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, bổ sung vi sinh để xử lý những chất mùn hữu cơ, những chất cặn bã còn sót lại. Để thị trường xuất khẩu và bán được giá cao, mình phải tuân thủ vấn đề an toàn thực phẩm".

Hiện thủy sản nuôi trồng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng thủy sản của nước ta. Do vậy, việc phát triển nuôi trồng và đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu.

Giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản - Ảnh 1.

Để sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nuôi cần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

Nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn

Hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ cũng tuân thủ việc nuôi trồng an toàn, không lạm dụng hóa chất hay kháng sinh.

Điều này nâng cao giá trị của con tôm, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu. Mô hình từ cấp nhỏ cho tới cấp lớn đang được nhân rộng ở các tỉnh thành Nam Trung bộ để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024.

Thực tế cho thấy, để sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nuôi cần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu sản xuất con giống đến khâu chăn nuôi và thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Ông Lê Hồng Phương - Xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi nêu ý kiến: "Chăn nuôi mà không sử dụng kháng sinh trước mắt sẽ đảm bảo được sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và sau đó là sức khỏe của người tiêu dùng, sản phẩm sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn, nhiều người sẽ tin dùng hơn".

Anh Nguyễn Tất Tùng - Xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định nhận định: "Đi theo quy trình tôm khỏe không dùng kháng sinh. Nếu nuôi tôm sạch thì đầu ra rất dễ bán, bên thu mua đi test an toàn, giá cũng cao hơn".

Trong toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản, rủi ro về an toàn thực phẩm chủ yếu ở khâu nuôi trồng. Do vậy, ngành thủy sản các tỉnh Nam Trung bộ đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời chú trọng giám sát vật tư đầu vào.

Ông Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Bình Định đưa ra nhận định: "Sử dụng những hóa chất, chế phẩm sinh học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép để đảm bảo các chỉ tiêu, đảm bảo các chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản theo khuyến nghị của EU".

Những năm gần đây, châu Âu trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm. Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản sẽ khắc phục những cảnh báo của châu Âu là vô cùng cần thiết để thủy sản Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước