Tăng trưởng vốn FDI: Động lực cho bất động sản 2025

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 18/01/2025 07:54 GMT+7

VTV.vn - Năm 2024, vốn đăng ký trong lĩnh vực bất động sản đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35%. Sự tăng trưởng nguồn vốn FDI là động lực cho phục hồi của thị trường bất động sản năm 2025.

Năm 2024 có thể được xem là một năm thành công đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê vốn đăng ký trong lĩnh vực này đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2023. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn FDI là động lực cho sự phục hồi tiếp tục của thị trường bất động sản năm 2025.

Vốn đăng ký thể hiện cam kết đầu tư, trong khi vốn thực hiện là số tiền đã được giải ngân vào các dự án. Trên thực tế vốn FDI thực hiện khá tích cực khi đã tăng đến 60% so với năm trước đó 2023, đạt con số 1,84 tỷ USD năm 2024.

Bên cạnh đà tăng vốn vào FDI, trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A), bất động sản cũng là ngành chiếm tỷ trọng lớn. 3 quý đầu năm 2024, theo KPMG Việt Nam, giá trị giao dịch M&A tăng gần 46% so với cùng kỳ, trái ngược với mức giảm 11,3% của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, bất động sản chiếm hơn một nửa (53%).

Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự phục hồi của ngành mà còn thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng phát triển của bất động sản Việt Nam.

Đòn bẩy cho tăng trưởng vốn FDI vào bất động sản

Tăng trưởng vốn FDI: Động lực cho bất động sản 2025 - Ảnh 1.

Chính sách pháp lý ngày càng rõ ràng, cơ hội thị trường còn rất lớn là động lực để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản.

Trong 3 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đến từ Malaysia đã thực hiện thành công nhiều thương vụ M&A cho việc mở rộng quỹ đất phát triển dự án. Trong 5 năm tới, dòng vốn trị giá 1,6 tỷ USD sẽ được tiếp tục rót vào thị trường trọng điểm này.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, chính sách pháp lý ngày càng rõ ràng, cơ hội thị trường còn rất lớn là động lực cho các kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land cho hay: "Trong định hướng 3-5 năm tới chúng tôi vẫn tích cực, đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Theo chúng tôi quan sát thì số lượng người quan tâm đến bất động sản gia tăng, chúng tôi đánh giá đây là một diễn biến tích cực".

Năm 2024 là thời điểm ba bộ luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, dù dòng vốn FDI trên toàn cầu chậm lại nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tranh thủ cơ hội để tìm kiếm và rót vốn vào các dự án phù hợp tại Việt Nam.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết: "Những thay đổi to lớn trong năm 2024 về chính sách, xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để chúng ta tiếp tục giữ tầm nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam. Do đó, khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới".

Dòng vốn FDI đang chảy vào bất động sản dưới nhiều hình thức: thuê đất, mua quyền sử dụng đất, mua bán - sáp nhập dự án hoặc cổ phần. Bất động sản công nghiệp và hậu cần là phân khúc được quan tâm nhiều nhất, kế đến là nhà ở, văn phòng và bán lẻ.

Thống kê cho thấy, Singapore là nước đang dẫn đầu về vốn FDI vào bất động sản tại Việt Nam, với gần 6,3 tỷ USD. Các quốc gia khác như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đóng góp đáng kể, lần lượt đạt gần 2,9 tỷ và 2,8 tỷ USD.

Ông Ben Ding Khoon Yew - Đại diện tập đoàn Soilbuild Singapore tại thị trường Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam năm 2023 và tập trung vào phát triển bất động sản khu công nghiệp. Với xu thế phát triển xanh ngành bán dẫn tại đây, thì đây là cơ hội để chúng tôi chú trọng phát triển đầu tư vào các dự án bất động sản xanh, và tích hợp công nghệ số, thông minh, đáp ứng nhu cầu của thị trường".

Bên cạnh pháp lý, đẩy mạnh đầu tư công cũng đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút FDI. Những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thường có thế mạnh về công nghiệp và hạ tầng, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam; và Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở phía Bắc.

Năm 2025, Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 790.700 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch năm 2024. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng với hàng loạt dự án như metro, cầu đường, khu công nghiệp mới là đòn bẩy giúp gia tăng vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu nhiều biến động, dòng vốn này cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt phải cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Thách thức và và cơ hội cho dòng vốn FDI trong bối cảnh mới

Tăng trưởng vốn FDI: Động lực cho bất động sản 2025 - Ảnh 2.

Thách thức chính đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thu hút vốn FDI là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực.

Báo cáo về sự phát triển của thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương, bà Ada Choi đại diện CBRE cho rằng, thách thức chính đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thu hút vốn FDI là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực. Trong đó có 2 yếu tố quan trọng cần cải thiện: thủ tục pháp lý, và minh bạch thông tin.

Bà Ada Choi - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Thị trường, CBRE Châu Á - Thái Bình Dương cho hay: "Thứ nhất là xu hướng cắt giảm lãi suất, điều này có lợi cho tăng trưởng dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này sẽ gia tăng sự canh tranh của các nước trong thu hút vốn FDI với Việt Nam. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng các chính sách về thương mại dưới thời kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo, tôi nghĩ Việt Nam sẽ được hưởng lợi, khi có rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp đang muốn đa dạng hoá chuỗi sản xuất để tránh các tác động nếu có như sự gia tăng về mặt thuế suất".

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường bất động sản Việt Nam cần nhiều yếu tố: Thứ nhất là thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, kết nối các khu vực trong nước và quốc tế. Ngoài ra, là việc hỗ trợ các nhà đầu tư FDI trong việc tiếp cận, tìm kiếm đối tác, và giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết: "Vai trò của Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI là rất lớn, trong đó cụ thể là những vấn đề mà tôi thấy Việt Nam đang chú trọng như: Cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và đảm bảo minh bạch trong quá trình cấp phép, quản lý đất đai".

Dòng vốn FDI đang đóng vai trò động lực quan trọng thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản Việt Nam; nhất là khi doanh nghiệp trong nước thực hiện tái cấu trúc và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài.

"Những hợp tác, xử lý các dự án bất động sản của các chủ đầu tư thì bắt đầu có những doanh nghiệp nước ngoài họ bắt đầu chuẩn bị tiếp quản, phát triển và chuẩn bị cho câu chuyện về chiến lược phát triển tiếp theo trong thị trường bất động sản. Hiện nay họ đang chờ sự ổn định của hướng dẫn nghị định để có những bước tiếp theo", TS. Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay.

Dự báo đến năm 2025, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%, được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế, nhu cầu nhà ở tăng cao, và chính sách thu hút đầu tư ưu đãi của Chính phủ.

Theo báo cáo nhận định đầu tư 2025 của quỹ VinaCapital, động lực tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam sẽ dịch chuyển từ sản xuất và du lịch sang tiêu dùng, bất động sản và đầu tư công. Dẫn đầu tăng trưởng trên thị trường chứng khoán năm nay cũng là nhóm bất động sản với mức tăng trưởng dự kiến 77-105%. Tiếp theo là nhóm vật liệu xây dựng với gần 25%. Trong đó, dòng vốn FDI được cho là động lực mới, tạo nên sự đa dạng và tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục và phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước