Sợi dây liên kết giữa căng thẳng và sút cân
(Ảnh: Medical News Today)
Căng thẳng ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Căng thẳng có thể khiến cân nặng bị giảm bởi một vài tác động sau:
Gây viêm và kích hoạt dây thần kinh phế vị
Việc chán ăn, kén ăn do căng thẳng gây ra có thể khiến bạn sút cân. Tình trạng viêm khiến dây thần kinh phế vị bị kích hoạt, từ đó ảnh hưởng suy giảm chức năng của đường ruột và hệ tiêu hóa.
Kích hoạt phản ứng căng thẳng cấp tính của cơ thể
Khi bị căng thẳng, hệ thần kinh sẽ kích hoạt giải phóng Epinephrine từ tuyến thượng thận. Epinephrine tăng cao sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng cấp tính của cơ thể, khiến bạn luôn trong trạng thái sẵn sàng chạy trốn hoặc chống lại mối đe dọa sắp xảy ra. Epinephrine cũng khiến tim và nhịp thở nhanh hơn, từ đó đốt cháy calo trong cơ thể.
Thay đổi trục HPA
Trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA) có vai trò kiểm soát và điều chỉnh các phản ứng của cơ thể khi đối mặt với căng thẳng. Tuy nhiên, với các căng thẳng mãn tính và diễn ra dài ngày lại làm suy yếu chức năng của trục HPA, gây ra những thay đổi trong quá trình trao đổi chất và thói quen ăn uống của bạn.
Rối loạn tiêu hóa
Căng thẳng khiến các triệu chứng và vấn đề về tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn. Nó ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của hệ tiêu hóa, bao gồm thực quản (ống dẫn thức ăn), dạ dày và cả đường ruột. Từ đó, cơ thể sẽ gặp phải một số triệu chứng như: Ợ chua, trào ngược dạ dày, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, táo bón, co thắt cơ, tiêu chảy,...và có thể khiến cân nặng bị giảm đi.
Căng thẳng có thể khiến bạn tăng cân không?
Căng thẳng cũng có thể gây tăng cân mặc dù bạn đã áp dụng các chế độ ăn uống lành mạnh cũng như tập thể dục đều đặn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra căng thẳng có thể dẫn tới một số tình trạng:
- Chất lượng giấc ngủ kém, khó ngủ, mất ngủ;
- Tăng cảm giác thèm ăn;
- Luôn thèm ăn những món không có lợi cho sức khỏe;
- Ít vận động, không muốn tham gia các hoạt động thể chất.
Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến tăng cân hoặc cản trở việc thực hiện các biện pháp giảm cân bạn đang áp dụng. Bên dưới là những lời khuyên bạn có thể áp dụng để cải thiện tình trạng này:
- Ăn uống theo lịch trình đều đặn và đặc biệt không bỏ bữa;
- Tránh các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao;
- Ăn nhiều trái cây và rau quả để bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng;
- Lên kế hoạch cho bữa ăn trước để tránh những lựa chọn tùy hứng;
- Ăn một bữa ăn nhẹ, với đầy đủ protein và chất béo ngay sau khi tập thể dục.
Làm thế nào để giảm căng thẳng?
Bạn có thể giảm bớt mức độ căng thẳng bằng những phương pháp sau:
- Thiền định;
- Tập thể dục;
- Nghe nhạc hoặc đọc sách;
- Lên các kế hoạch quản lý thời gian;
- Ngủ đủ giấc;
- Nói chuyện thường xuyên hơn với gia đình và bạn bè;
- Làm công việc tình nguyện và giúp đỡ người khác;
- Tránh ma túy và rượu.
Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể được kiểm soát bằng cách tiêu thụ một số loại thực phẩm. Ví dụ:
- Axit béo omega 3 giúp giảm kích thích tình trạng căng thẳng;
- Vitamin C giảm căng thẳng, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt và giảm nồng độ cortisol;
- Carbohydrate phức hợp giúp điều chỉnh huyết áp và nâng cao nồng độ serotonin;
- Magie để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm mệt mỏi và đau đầu.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu đã thực hiện tất cả những biện pháp trên nhưng tình trạng căng thẳng vẫn không thể cải thiện. Bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp điều trị hoặc can thiệp y tế phù hợp đối với chứng lo âu và trầm cảm.
Đồng thời, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu không áp dụng các biện pháp giảm cân nhưng trọng lượng cơ thể vẫn giảm sút. Giảm cân đột ngột có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý có từ trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!