Tại sao chúng ta lại có thói quen trì hoãn?

Mai Linh (theo Medical New Today)-Thứ ba, ngày 29/11/2022 14:00 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Chúng ta luôn có thói quen trì hoãn việc cần làm một vài ngày, một vài tuần hay vài tháng. Vậy tại sao chúng ta lại hay trì hoãn? Có cách nào để khắc phục?

Mọi người đều sẽ  trì hoãn một số công việc cần làm tại thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Cho dù nó là những việc nhỏ nhặt hay quan trọng cần xử lý ngay. Thậm chí, một số người còn coi trì hoãn là một thói quen và diễn ra lặp đi lặp lại hàng ngày. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ trì hoãn cao trong công việc có thể gây ra những tác động tiêu cực. 

Điều gì xảy ra trong não bộ chúng ta?

Theo Sharon Greene, LCSW, người chuyên điều trị chứng lo âu và trầm cảm tại Trung tâm Phát triển Gia đình và Trẻ em Providence Saint John ở Santa Monica, CA, cho biết trì hoãn là kết quả của cuộc đấu tranh giữa hệ thống limbic và vỏ não trước trán. Hệ thống limbic là một phần trong não, tự động tìm kiếm niềm vui hoặc tránh những thứ gây ra đau khổ. Còn vỏ não trước trán giúp lập kế hoạch, ra quyết định và đặt ra các mục tiêu dài hạn. 

Một nghiên cứu từ Viện Não Paris được công bố vào tháng 9 năm 2022 đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vỏ não trước là nơi đưa ra quyết định trì hoãn. Họ cũng phát triển một thuật toán để dự đoán xu hướng trì hoãn hay không trì hoãn của một người trước những việc chuẩn bị thực hiện.

Lo lắng và trì hoãn có liên quan đến nhau không? 

Tiến sĩ Alex Wills, một bác sĩ tâm thần, cho biết các vấn đề mà một người gặp phải có thể ảnh hưởng đến sự trì hoãn cũng như ảnh hưởng đến các quyết định trong não bộ. Trong trường hợp người đó mắc chứng rối loạn lo âu có thể bị hạn chế khi thể hiện nhiều cảm xúc như sự sợ hãi, tuyệt vọng hoặc không thể đưa ra quyết định, thì việc xử lý thông tin có thể trở nên chậm hơn. Từ đó dẫn tới việc trì hoãn trong các công việc. 

Sự trì hoãn có phải là một vấn đề sức khỏe tâm thần không?

Các nhà nghiên cứu cho biết sự trì hoãn không phải là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nó có thể sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu diễn ra quá thường xuyên. Bên cạnh đó, nếu một người hay trì hoãn mọi việc do chứng rối loạn lo âu thì sự lo lắng đó có thể dẫn đến những kết quả tiêu cực.

Việc trì hoãn đem lại lợi ích gì không? 

Hầu hết mọi người đều coi việc trì hoãn là một thói quen tiêu cực. Tuy nhiên, nó có đem lại bất kỳ mặt tích cực nào không?  Có nhiều trường hợp khi trì hoãn có thể có lợi, ngay cả khi người đó không có ý định làm như vậy.

Mọi người đều có thể trì hoãn một nhiệm vụ vì nó không quan trọng hoặc chưa cần giải quyết gấp, điều này cho thấy khả năng đánh giá tốt về mặt quản lý thời gian và ưu tiên các nhiệm vụ của họ. 

Một ví dụ điển hình đó là khi thực hiện một dự án khó nhằn và bạn không nghĩ ra bất kỳ ý tưởng mới mẻ nào thì bạn có thể dừng lại và tìm các cách để thư giãn như chơi một trò chơi vận động, đi dạo, trò chuyện với bạn bè. Và khi tinh thần đã trở nên thoải mái, thư giãn hơn, thì chắc chắn lúc này khi quay lại với công việc, bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn và thậm chí có thể nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay ho. 

Làm thế nào để ngừng trì hoãn?

Việc tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành mỗi bước trong công việc có thể hữu ích để tập ngưng trì hoãn. Một số người hạn chế được tình trạng trì hoãn khi nhờ người khác giao trách nhiệm cho việc phải hoàn thành từng bước nhỏ trong một khoảng thời gian cụ thể trong một công việc lớn. Đặt thời gian hoàn thành có thể là một biện pháp hữu ích để ngăn sự trì hoãn. 

Căn nguyên của sự trì hoãn là do bạn thực hiện một việc có thể mất quá nhiều thời gian. Chính vì vậy, hãy thử cố gắng chia nhỏ thành những phần để có thể hoàn thành nó trong một thời gian ngắn, cố định. Ví dụ, thay vì dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà trong một ngày, thì bạn hãy lên kế hoạch vệ sinh phòng tắm vào hôm nay và phòng khách vào ngày mai. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước