Trẻ mắc bệnh thận mạn tính - bỏ dở điều trị gây nguy cơ tử vong

Vy Hiếu, icon
02:44 ngày 31/05/2023

VTV.vn - Bệnh thận mạn tính là bệnh lý suốt đời, trẻ cần được đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh thận mạn tính nhập viện nguy kịch do cha mẹ tự ý bỏ điều trị, hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanh.

Gần đây nhất là một bệnh nhi 5 tuổi, quê ở Bắc Giang vào Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng trẻ không qua khỏi.

Theo các bác sĩ, cách đây hơn 1 năm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính, đã được điều trị sức khỏe ổn định ra viện và tiếp tục theo dõi ngoại trú tại phòng khám chuyên khoa Thận, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay, người nhà bệnh nhi tự ý bỏ theo dõi, điều trị và cho dùng thuốc nam. Gần đây, khi tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu, bệnh nhi mới được người nhà đưa quay trở lại bệnh viện điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và Lọc máu, đây là một trong số nhiều trường hợp bệnh nhi đang điều trị bệnh thận mạn tính tại khoa tự ý bỏ ngang điều trị hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanh, đến khi nhập viện thì đã quá muộn.

Có nhiều lý do khiến người nhà bỏ điều trị cho trẻ như hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa đi lại tốn kém, thời gian điều trị kéo dài hoặc nghĩ cơ hội sống của trẻ không còn, có chạy chữa cũng không thay đổi được gì… là lý do khiến gia đình dễ buông xuôi.

Bệnh thận mạn là tình trạng tổn thương thận không thể hồi phục và hoặc giảm chức năng thận kết hợp với sự tiến triển nặng theo thời gian. Khi thận không hoạt động bình thường, có thể gây ra các biến chứng và suy thận.

Có 5 giai đoạn của bệnh thận mạn và giai đoạn 5 được gọi là suy thận mạn. Sự tiến triển qua các giai đoạn, xảy ra nhanh hay chậm ở mỗi bệnh nhân khác nhau.

Nguyên nhân của bệnh thận mạn ở trẻ em: Loạn sản thận, van niệu đạo sau, thận đa nang, bệnh nang thận có tính chất gia đình, thận hư bẩm sinh, hội chứng huyết tán ure máu cao…

Hội chứng thận hư do đột biến gen, hội chứng thận hư kháng các thuốc ức chế miễn dịch, viêm thận do Henoch-Schönlein, viêm thận do Lupus, viêm cầu thận tiến triển nhanh, bệnh thận IgA, hội chứng Alport…

Bệnh thận mạn tính là bệnh lý suốt đời, trẻ cần được đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Trẻ cần được duy trì lối sống lành mạnh, và các biện pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Bệnh nhân và gia đình nên hiểu về các phương pháp điều trị thay thế thận và thảo luận với bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp với công việc, chỗ ở và điều kiện kinh tế khi trẻ bị suy thận mạn.

"Cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc từ nhiều nguồn, không tự ý bỏ thuốc điều trị cho trẻ,…Việc điều trị cho trẻ mắc bệnh thận mạn nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự hợp tác cả cha mẹ và của cộng đồng" - TS.BS Nguyễn Thu Hương cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục