Sắp nghỉ Tết Dương lịch, cảnh báo tai nạn giao thông do rượu bia

Mai Liên, icon
08:07 ngày 29/12/2020

VTV.vn - Việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia đối với các y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn, áp lực.

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: Hàng ngày, bệnh viện đều tiếp nhận các ca cấp cứu nhập viện do sử dụng rượu bia. Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, các ca trực tại khoa cấp cứu hầu như không được nghỉ ngơi. Nhiều ca tai nạn nhập viện do uống rượu bia bị đa chấn thương nặng, thậm chí tử vong. Như trong 6 ngày tết Canh Tý 2020, có 94 ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông. Số ca tử vong tai nạn giao thông là 4 ca. Trong đó có 105 lượt bệnh nhân xét nghiệm nồng độ cồn trong máu trên mức cho phép.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng số ca tai nạn giao thông do rượu bia, bác sĩ Đinh Cao Minh cho hay: Hầu hết người dân uống bia rượu thường sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại, vào cuộc nhậu thì rất ít người uống có chừng mực. Tàn cuộc ai cũng tự lái xe để đi về, rất ít người sử dụng các phương tiện công cộng.

Hậu quả là bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia gây nhiều khó khăn cho công tác cấp cứu. Nhiều ca bệnh hôn mê, không có người nhà đi cùng, khi đó y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán bệnh, không biết lý do vì rượu bia hay do bệnh lý trong người bệnh nhân. Những ca bệnh này phải kiểm tra, chụp chiếu toàn thân sẽ gây căng thẳng cho y bác sĩ, cho người nhà và kinh phí điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ: Công tác cấp cứu cho những ca tai nạn giao thông do say rượu, bia khá vất vả, nhất là khó chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ đầu hay còn gọi là bị "nhiễu" chẩn đoán. Đối với bệnh nhân không say rượu, bác sĩ còn có thể hỏi bệnh nhân để nắm một số thông tin ban đầu. Riêng với những người say rượu bị té xuống đường bất tỉnh, khi cấp cứu ban đầu rất khó biết được họ hôn mê do say rượu hay do tổn thương thực sự. Vì lúc đó bệnh nhân mê man không biết gì hoặc trả lời lung tung, thậm chí còn cáu gắt, mắng chửi, đập phá vì không muốn bị làm phiền.

Khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu kéo theo tình trạng "nhiễu" kết quả khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu... gây ảnh hưởng đến điều trị. Vì khi lượng cồn trong máu cao sẽ làm cộng hưởng hoặc có sự tương tác với thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng độc tính của thuốc. Những ca tai nạn do say rượu, bia thường là đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi.

Đối với những trường hợp phải phẫu thuật, bác sĩ vẫn phải tiến hành nhưng lượng cồn vẫn còn trong máu sẽ gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu. Đặc biệt, những ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật thì gây mê khó hơn, tổn thương sau mổ cũng cao hơn so với những ca không có rượu, bia.

Bên cạnh áp lực của việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế còn chịu áp lực của chính sự an toàn cho bản thân. Đó chính là sự đe dọa từ phía người nhà bệnh nhân. Tâm lý chung của người nhà là phải quan tâm đến người nhà mình, trong khi đó, ưu tiên của nhân viên y tế là quan tâm đến những bệnh nhân nặng trước.

"Họ thấy máu me, trầy xước bên ngoài là hoảng loạn, yêu cầu, đòi hỏi phải được cứu chữa ngay tức khắc, trong khi đó họ chưa biết rằng chính những tổn thương bên trong sẽ nguy hiểm hơn. Một số trường hợp nhân viên y tế bị người nhà của người bị tai nạn giao thông đánh. Do đó, nhiều nhân viên y tế vừa lo cứu bệnh nhân, lại lo cho sự an toàn của chính bản thân. Vì vậy đến những ngày gần tết, bệnh viện phải tăng cường bảo vệ trực tại các khoa như cấp cứu" - bác sĩ Đinh Cao Minh cho biết.

Để hạn chế những tác hại do rượu bia lên sức khoẻ, bác sĩ Định Cao Minh khuyến cáo: Người dân nên uống có chừng mực. Nếu có sử dụng rượu bia thì nên sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân để bảo vệ chính mình và người khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục