Hy hữu: Đón con sau 21 năm điều trị hiếm muộn

pv, icon
02:00 ngày 15/05/2024

VTV.vn - Gian truân gần nửa đời người với biết bao lần chạy chữa tìm con, tưởng chừng cơ hội làm mẹ đã khép lại nhưng lần “làm hết sức cuối cùng” phép màu đã đến với chị Hương.

Áp lực tìm con đè nặng hơn 2 thập kỷ

2h chiều ngày 17/4, cánh cửa phòng mổ khoa Phụ Sản, BV Phương Đông khép lại. Không gian tĩnh lặng chỉ còn duy nhất tiếng bước chân qua lại của anh Nguyễn Văn Khoá. Đó là thời khắc đón con đầu lòng khi anh đã bước sang tuổi 58.

Vợ anh, chị Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1979) - người phụ nữ đã cùng anh trải qua hành trình dài đầy nước mắt, nỗi đau thể xác và tinh thần đi tìm con suốt hơn 2 thập kỷ. Khi đã cạn kiệt tiền bạc, sức lực và muốn buông xuôi thì phép màu từ khoa học đã mang một cô công chúa nhỏ khỏe mạnh đến với anh chị.

Hy hữu: Đón con sau 21 năm điều trị hiếm muộn - Ảnh 1.

Hiếm muộn 21 năm, cuối cùng chị Hương cũng được làm người mẹ.

Sau 21 năm mòn mỏi, gần 1h lo lắng cho ca mổ đẻ, anh Khoá đã được bế thiên thần nhỏ trên tay. Sau cuộc sinh nở an toàn, chị Hương đã thực sự được cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc lần đầu làm mẹ.

Hy hữu: Đón con sau 21 năm điều trị hiếm muộn - Ảnh 2.

Giây phút xúc động khi lần đầu được làm cha của anh Khoá.

Chị Hương giãi bày: "Năm 2003 hành trình tìm con của anh chị bắt đầu, chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc rồi cả đến biện pháp hỗ trợ sinh sản tại một số bệnh viện lớn đều thất bại. Nỗi đau trong lòng trỗi dậy mỗi dịp lễ Tết, đỉnh điểm là những lá đơn ly hôn viết rồi nhưng anh không ký mà lẳng lặng cất vào góc tủ. Giờ đây hạnh phúc không lời nào tả xiết, cuối cùng tôi cũng đã được làm mẹ, mọi đau đớn buồn tủi giờ đây đã được xoá nhoà".

Theo các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, tuổi cao, thời gian mong con dài là yếu tố cản trở thành công của các ca thụ tinh ống nghiệm IVF. Bởi số lượng, chất lượng trứng của người phụ nữ sẽ suy giảm dần theo thời gian. Đặc biệt hơn ở trường hợp của chị Hương, do mắc chứng suy buồng trứng sớm lại đến giai đoạn mãn kinh, trứng gần về 0 cùng với niêm mạc quá mỏng thì việc đậu thai ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên là trường hợp ít gặp.

Từ ca bệnh phức tạp đến cái kết ngọt ngào

Ths.BS Lê Vũ Hải Duy (Chuyên gia hỗ trợ sinh sản - Trung tâm hiếm muộn và nam học công nghệ cao Phương Đông - BVĐK Phương Đông), người trực tiếp theo sát quá trình tìm con của gia đình chị Hương cho biết: "Bệnh nhân đến với chúng tôi khi đã trải qua quá nhiều nước mắt, thất bại với khao khát mãnh liệt là có một mụn con. Vì vậy, ngay từ khi tiếp nhận tôi xác định việc giải toả tâm lý là điều cần làm ngay". Vừa kiểm tra chuyên sâu về tình trạng sức khỏe, bác sĩ vừa dành phần lớn thời gian cả trực tiếp và gọi điện nhắn tin ngoài giờ để giải thích, tiếp thêm hy vọng giúp 2 vợ chồng trút bỏ phần nào gánh nặng tâm lý, thoải mái vui vẻ để bắt đầu chu trình IVF tại BV Phương Đông.

Hy hữu: Đón con sau 21 năm điều trị hiếm muộn - Ảnh 3.

Vợ chồng chị Hương được bác sĩ Duy theo sát quá trình điều trị.

Bác sĩ Duy đã lên phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ để thu về nang noãn trưởng thành bởi chị Hương đã cạn trứng và từng IVF nhiều lần. Dù đáp ứng thuốc kém nhưng các chuyên viên Lab IVF Phương Đông đã ứng dụng kỹ thuật cao như ICSI, hỗ trợ thoát màng AH để tạo được 2 phôi ngày 5 cho bệnh nhân.

Có phôi khoẻ đã là niềm hạnh phúc lớn nhưng khó khăn vẫn ở trước mắt khi quá trình canh niêm mạc cho chị lại vô cùng trắc trở. Niêm mạc của chị quá mỏng, cứ tăng được vài milimet lại bất ngờ giảm đột ngột. Nhờ kết hợp ăn uống nghỉ ngơi uống thuốc đều đặn theo lời dặn từ bác sĩ, với sự động viên từ chồng, sau 3 tháng thời điểm vàng để chuyển phôi cũng đã đến.

Đi qua bao nhiêu nước mắt, thất vọng rồi lại hi vọng, tiếp tục kiên trì "chiến đấu", cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với chị Hương và anh Khóa. Giây phút bác sĩ thông báo thai đã vào tổ và có tim thai chị Hương không tin vào tai mình và phải nhờ bác sĩ xác nhận tới 3 lần. "Vợ tôi ra khỏi phòng bác sĩ mà khóc như một đứa trẻ, giây phút nhận được tin đã có thai là khoảnh khắc chúng tôi không bao giờ quên" - anh Nguyễn Văn Khoá xúc động kể lại.

Hy hữu: Đón con sau 21 năm điều trị hiếm muộn - Ảnh 4.

Ths.Bs Lê Vũ Hải Duy từng là thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của Học viện Quân Y đã có hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị hiếm muộn.

Không chỉ là niềm hạnh phúc ngọt ngào với chị Hương và anh Khóa, ngày em bé mạnh khỏe chào đời cũng là dấu ấn thành công của một ca hiếm muộn phức tạp tại Trung tâm Hiếm muộn và Nam học công nghệ cao Phương Đông, là bao nỗ lực và tâm huyết của bác sĩ Duy cùng ekip IVF Phương Đông; đồng thời, mở ra hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng trên khắp cả nước. Khó khăn luôn thường trực nhưng chỉ cần giữ vững niềm tin và đủ "duyên lành" thì "hoa sẽ kết trái".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục