Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tìm kiếm thị trường mới

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 01/12/2024 07:47 GMT+7

VTV.vn - Lũy kế qua 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 8,25 tỷ USD và tự tin sẽ đạt và vượt mục tiêu 10 tỷ USD trong cả năm nay.

Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau gần 2 năm, Việt Nam mới trở lại với con số này. Dịp cuối năm đang được các doanh nghiệp kỳ vọng tạo cú hích trong xuất khẩu. Hiện ngành thủy sản đang tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng và nắm bắt cơ hội từ các thị trường mới.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mực sushi sang Nhật Bản, Công ty hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu trong nước do vướng mắc về chứng nhận khai thác. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất với công suất khoảng 80%. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp đang tìm kiếm các giải pháp để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa thị trường, phát triển bền vững thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Cố vấn cao cấp, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản FXPT, Thanh Hóa cho hay: "Hy vọng trong giai đoạn sắp tới, được sự nỗ lực của lãnh đạo nhà nước, chính quyền các cấp sẽ tháo gỡ làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất điều kiện tốt hơn, công ty sẽ mở rộng tận dụng thêm 20% diện tích và công suất để sản xuất một số thủy sản nuôi, đi một số thị trường Trung Đông và châu Á".

Hiện nay, Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thủy sản khai thác thị trường. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, các ngành Công Thương cũng đang theo dõi biến động thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu xuất khẩu để từ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng các lợi thế các FTA thế hệ mới.

Ông Lê Quý Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại công ty cũng đã tiến hành xây dựng và phát triển được các thị trường khác như Trung Đông, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á".

"Sở Công Thương đã rất chủ động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức các hội nghị để thông tin, tuyên truyền đến cho doanh nghiệp thông tin về xuất nhập khẩu, đặc biệt là các Hiệp định, Hiệp định thế hệ mới", ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Các doanh nghiệp cho biết, sự phục hồi tích cực của nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đã thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng. Các tháng tới là cao điểm các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, Tết. Do đó, nhóm mặt hàng thủy sản sẽ có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu hơn nữa.

Ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tìm kiếm thị trường mới - Ảnh 1.

Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 10 tháng năm 2024, tình hình xuất khẩu thủy hải sản có nhiều chuyển biến khởi sắc, mở ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp và người dân. Riêng tại Nghệ An và Hà Tĩnh, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã góp phần ổn định tình hình đánh bắt, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn.

Mỗi ngày, doanh nghiệp tiến hành chế biến hàng tấn lươn trên địa bàn Nghệ An. Từ tháng 6/2021, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền của đơn vị đã được xuất khẩu sang Anh, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng Hòa Séc với số lượng 12-15 container/năm. Riêng trong năm 2023, 2024 Hoa Kỳ cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ lươn với số lượng 4 container/năm.

"Để đưa được những sản phẩm của mình vào những thị trường khó tính thì chúng tôi đã đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm, sản xuất trong quy trình khép kín. Tất cả các chất lượng đầu vào chúng tôi phải kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo được các chỉ số kháng sinh an toàn trong động thực vật", chị Trần Hà Nhung - Giám đốc Công ty Phát triển ẩm thực NAP Food, Nghệ An chia sẻ.

"Chúng tôi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để quảng bá cũng như xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại cũng như tổ chức các đoàn giao thương", chị Mai Thanh Huyền, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho hay.

Còn tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đạt gần 40.000 tấn. Mặc dù tình hình xuất khẩu năm nay còn gặp nhiều khó khăn, xong các sản phẩm thủy sản của Hà Tĩnh đã chinh phục được thị trường quốc tế.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Kết nối với Cục Thương mại điện tử, Cục Xuất khẩu và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp các thông tin về thị trường, về các đối tác có nhu cầu, có mong muốn kết nối để xuất khẩu các mặt hàng tỉnh có tiềm năng".

Thời gian qua, các bộ ngành đã thúc đẩy giao thương, tháo gỡ tình trạng ùn tắc và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

Ông Henry Hồ - Giám đốc Vùng EOS International Creation Hoa Kỳ cho hay: "Chúng tôi có một chương trình và một lộ trình cụ thể để kết nối các sản phẩm đặc sản của vùng miền, đồng hành cùng các nhà xuất khẩu Việt Nam để đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ để quảng bá nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng nhiều và mạnh mẽ hơn nữa".

Lũy kế qua 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đã mang về 8,25 tỷ USD và tự tin sẽ đạt và vượt mục tiêu 10 tỷ USD trong cả năm nay. Thủy sản xuất khẩu không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước