TP Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết quy định, tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp. Đây là những khu vực sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm môi trường và dự kiến sẽ được thí điểm vào đầu năm sau.
Việc xây dựng những vùng phát thải thấp không chỉ là lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, mà còn là tiền đề để Hà Nội đạt được mục tiêu cấm hoàn toàn xe máy tại các quận của thành phố vào năm 2030.
Tuyến đường Nguyễn Trãi trong giờ cao điểm sáng, hàng nghìn phương tiện cả ô tô và xe máy di chuyển chen chúc dù tấm biển phân làn đã được lắp đặt từ lâu. Giao thông hỗn loạn, ùn tắc kéo dài không phải là những điều duy nhất ảnh hưởng đến người dân sống ven đường.
"Giờ cao điểm thứ nhất là nóng, thứ hai là bụi, thứ ba là ngột ngạt, bí bách. Nếu phải đi xe máy thì phải dùng khẩu trang, còn nếu đi xe bus hay tàu điện thì không cần dùng", anh Khuất Huy Thành (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Trong số 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội, xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: QĐND)
Hiện Hà Nội đang có hơn 8 triệu phương tiện các loại. Mỗi năm thành phố lại tăng thêm khoảng 390.000 phương tiện mới.
Bên cạnh vấn đề ùn tắc giao thông, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra rằng, trong số 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội, xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Ước tính đến năm 2025, lượng phát thải tại nước ta sẽ đạt khoảng 64 triệu tấn CO2, tức tăng gấp 5 lần nếu so với năm 2000.
Dự kiến từ đầu năm sau, Hà Nội sẽ xây dựng các khu vực hạn chế phát thải tại tất cả các quận của thành phố.
Các loại phương tiện như ô tô, xe máy chạy bằng xăng không đạt chuẩn và các loại xe trọng tải lớn sẽ bị cấm lưu thông. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.
"Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải để kiểm soát các phương tiện giao thông, hay Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát nồng độ đo không khí của các phương tiện giao thông. Có những giải pháp đồng bộ như phát triển tuyến đường sắt đô thị và từ đó kết nối với các phương tiện giao thông khác như xe bus", ông Nguyễn Toàn Thắng (Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
"Một chuyến xe bus có thể thay thế một chục chiếc ô tô hoặc hàng chục chiếc xe máy, lớn hơn nữa là một đoàn tàu, một chuyến chở đến 1.000 người. Nhờ có vận tải công cộng, chúng ta mang được lượng người rất lớn từ ngoại thành hoặc các địa phương lân cận vào nội thành nhưng không tăng phương tiện cá nhân", ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội) cho hay.
Thực tế, vận tải công cộng mới chỉ giải quyết chưa đến 20% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Vì vậy, để đạt mục tiêu dừng hoạt động xe máy ở các quận của Hà Nội vào năm 2030, mỗi địa phương sẽ đưa ra chính sách cụ thể, đặc thù cho mỗi khu vực, làm sao nhận được sự đồng thuận của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!