Thực hiện giảm phát thải tại các cơ sở chăn nuôi

Lan Phương, Đình Trung-Thứ hai, ngày 29/07/2024 06:35 GMT+7

VTV.vn - Thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ trong xử lý phát thải.

Ngành chăn nuôi đang đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho hơn 100 triệu dân và tạo sinh kế của khoảng 6 triệu nông dân. Nhưng khí nhà kính từ dạ cỏ và chất thải của hàng chục triệu con gia súc đang là nguồn phát thải lớn. Vì vậy, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, hoặc chăn nuôi 1.000 con bò trở lên tới đây sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Song, đây là vấn đề của nhiều cơ sở chăn nuôi hiện nay.

Chỉ với 30 con bò thịt, mỗi ngày, cơ sở chăn nuôi bò cũng phải dùng từ 1,5 - 2 m3 nước để rửa chuồng. Lượng nước thải được thu gom dùng để tưới cho cánh đồng cỏ, làm thức ăn cho bò. Còn chất thải rắn được thu gom để bán cho các hộ dân dùng làm phân bón cho cây trồng. Dù thực hiện chăn nuôi tuần hoàn như vậy nhưng với chuồng trại thô sơ, vẫn không thể tránh khỏi mùi và nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Sứ, Xã Đức Giang, Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: "Để xử lý tối đa và hiệu quả nhất thì chúng tôi sẽ phải đầu tư hệ thống để lọc phân nhưng hiện tại khó khăn vì mức đầu tư cho một hệ thống khá lớn. Bước đầu thì chúng tôi cũng chưa xử lý được".

Hầu hết điều kiện chuồng trại ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ, hộ gia đình hiện nay đều trong tình trạng tương tự. Một hợp tác xã chăn nuôi khoảng 1.000 con bò. Trước đây phải bỏ ra khoảng 500-600 triệu đồng/năm để sản xuất 3.000 tấn cỏ. Hiện đã tiết kiệm được chi phí này nhờ xử lý tuần hoàn. Nhưng cơ sở này vẫn lúng túng trong kiểm soát phát thải.

Ông Nguyễn Trung Điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, Bắc Giang chia sẻ: "Đơn vị chúng tôi chưa có thiết bị, cách để đo được khí metan và CO2 cũng như quá trình xử lý phân bón để tái sử dụng quá trình trồng trọt''.

Với khoảng 4.000 trang trại lớn, nhỏ quy mô hàng chục triệu con gia súc thì mỗi năm lượng khí nhà kính phát thải từ ngành chăn nuôi tại Việt Nam là gần 19 triệu tấn CO2 tương đương. Đề án ''Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030'' vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thúc đẩy các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ. Vì vậy, kiểm kê khí nhà kính sẽ là bắt buộc. Nếu sớm có kế hoạch thực hiện kiểm kê sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi chủ động đối với quy định về giảm phát thải.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước