Chiến lược hai mũi phòng, chống COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 18/07/2021 13:41 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sẽ có bộ phận thường trực điều hành, kết nối với các bộ để giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh trong chống dịch.

Thống nhất phương án giải quyết các vướng mắc của các bộ, ngành trong lưu thông hàng hóa cũng như thủ tục mua trang thiết bị phục vụ chống dịch, nhất là cho 19 tỉnh, thành ở Đông và Tây Nam Bộ khi thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 là nội dung chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 18/7.

Chiến lược hai mũi phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

Để đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng tăng cao, theo Bộ Y tế, cần bổ sung số trang thiết bị như máy ECMO, máy thở chức năng cao và sinh phẩm, máy móc xét nghiệm rất lớn. Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn và kéo dài, Bộ Y tế đã kết nối nhiều nguồn nhập khẩu, đàm phán, mua trực tiếp từ nhà sản xuất và sẽ sớm trình phương án cụ thể. Về bảo hộ, sẽ đảm bảo trang bị đầy đủ, không để lực lượng tuyến đầu thiếu.

Về lưu thông hàng hóa, để giải quyết ùn tắc tại các chốt kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm của lái xe, Bộ Y tế đưa ra giải pháp bố trí điểm xét nghiệm nhanh miễn phí tại tất cả trạm dừng nghỉ trên quốc lộ do chính quyền và đoàn thanh niên tổ chức thực hiện. Còn nếu đã xét nghiệm thì giấy chứng nhận âm tính có hiệu lực trong 3 ngày (kể cả xét nghiệm PCR hay test nhanh) do cơ sở y tế từ cấp xã trở lên và các bệnh viện cấp. 

Khi lưu thông giữa 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải có giấy chứng nhận xét nghiệm. 

Chiến lược hai mũi phòng, chống COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố "luồng xanh" quốc gia lưu thông trên quốc lộ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tuy tăng cường xét nghiệm nhưng vẫn phải trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Ở những nơi chưa nhiều ca mắc thì test nhanh ưu tiên cho các bệnh viện và xét nghiệm người có triệu chứng; tiếp tục tăng cường tầm soát ngoài cộng đồng.

Trước tình hình tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bình Dương đang rất phức tap, nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến quá tải điều trị. Ban Chỉ đạo thống nhất áp dụng chiến lược hai mũi: Tập trung cho những nơi có dịch và kết hợp các biện pháp đồng bộ để nhanh chóng dập dịch. Khu vực nào an toàn phải quyết tâm giữ vững không để dịch xâm nhập.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 29.081 ca mắc, tăng 8.904 ca so với tuần trước đó, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày.

Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc, tăng 315 ca so với tuần trước đó, trong 7 ngày gần đây số ca mắc trung bình khoảng 140 ca mắc/ngày. Số ca mắc vẫn ở mức cao, tăng ở các địa phương Thuận An, Dĩ An và có dấu hiệu lan ra các địa phương phía Bắc như Bàu Bàng, Dầu Tiếng.

Tỉnh Long An, ghi nhận 746 ca mắc, tăng 121 ca so với tuần trước đó. Có 29 chuỗi lây nhiễm trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, 12 chuỗi vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc mới trong địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, có sự xuất hiện của các ổ dịch mới. Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là các trường hợp làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, các trường hợp F1 và nằm trong vùng phong tỏa.

Tỉnh Đồng Nai, ghi nhận 757 ca mắc, tăng 432 ca so với tuần trước đó. Có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh như: chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

Tỉnh Đồng Tháp, ghi nhận 1.255 ca mắc, tăng 218 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số lượng các ca mắc có xu hướng tăng. Các ca mắc ghi nhận chủ yếu liên quan đến ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Các chùm ca bệnh tại tỉnh Đồng Tháp hiện nay đều đã xác định được nguồn lây.

Tỉnh Khánh Hòa, ghi nhận 467 ca mắc, tăng 128 ca so với tuần trước đó. Ghi nhận ca mắc tại 04 huyện/thành phố với 3 chuỗi lây nhiễm chính.

Tỉnh Tiền Giang, ghi nhận 762 ca mắc, tăng 258 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm các chuỗi lây nhiễm mới tại các nhà máy, chợ dân sinh. Các chuỗi lây nhiễm hầu hết chưa rõ nguồn lây và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước