Kiểm soát chất thải chăn nuôi: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp

Thủy Tiên, Tấn Mong, Minh Xuân-Chủ nhật, ngày 24/11/2024 10:11 GMT+7

VTV.vn - Chất thải chăn nuôi gây áp lực lớn lên môi trường. Nhiều nông dân tại Hậu Giang đã áp dụng mô hình xử lý hiệu quả, vừa giảm ô nhiễm, vừa tăng giá trị kinh tế bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm lượng chất thải từ chăn nuôi lên tới 84,5 triệu tấn, gây áp lực lớn lên môi trường. Tuy nhiên, nhiều nông dân tại Hậu Giang đã chuyển đổi cách tiếp cận, áp dụng các mô hình xử lý chất thải hiệu quả, không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Gần ba năm qua, ông Huỳnh Văn Bảy ở huyện Vị Thủy không tốn chi phí phân bón nhờ mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi. Ông tận dụng phân dê kết hợp chế phẩm vi sinh để ủ thành phân hữu cơ bón cho hơn 100 gốc mít và sầu riêng. Nước thải từ chuồng dê được đưa xuống ao nuôi bèo cám, sau đó bèo được vớt lên làm thức ăn cho ốc bươu đen. Quy trình khép kín này giúp ông xử lý triệt để chất thải, mang lại hiệu quả cao. "Không có gì là bỏ đi cả," ông Bảy khẳng định. "Mô hình tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo không bao giờ thua lỗ."

Tương tự, ông Phan Văn Đen, cũng ở huyện Vị Thủy, áp dụng mô hình nuôi gà sao bằng đệm lót sinh học. Ông sử dụng chế phẩm vi sinh trộn với trấu để phân hủy chất thải trong chuồng, giảm thiểu mùi hôi và bệnh tật cho hơn 1.000 con gà sao. Sau mỗi lứa gà, phần đệm lót được bán làm phân bón cây trồng. "Phân thải ra tôi ủ và bán 15 ngàn đồng một bao, 10 bao tặng thêm một bao khuyến mãi," ông Đen chia sẻ. "Số trấu bán được cũng đủ gỡ vốn, đồng thời giữ môi trường sạch sẽ cho gà khỏe mạnh."

Nhờ những giải pháp này, tại Hậu Giang, gần 98% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và 96% hộ nuôi trồng thủy sản đã thực hiện biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngành chức năng địa phương cũng vận động hơn 3.500 hộ chăn nuôi không phù hợp quy hoạch thực hiện di dời hoặc ngừng nuôi, đạt tỷ lệ gần 77%.

Mô hình xử lý chất thải không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho người nông dân. Ông Nguyễn Văn Út, một nông dân tại thị xã Long Mỹ, cho biết: "Khi mới bắt đầu nuôi là mình làm cái đó rồi, làm chi, để cho nó giữ được môi trường. Thứ hai nữa mình lấy phần gas đó chi phí bếp núc cũng nhẹ. Chi phí tiền gas mình không cần mua rồi đó, mình lấy gas đó mình xài trong nhà".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước