"Đầu tháng 11, số ca nhiễm Ebola có thể lên tới 20.000"

VTV-Chủ nhật, ngày 12/10/2014 17:47 GMT+7

TS Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

Tiến sĩ Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - chia sẻ như vậy về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola trên toàn cầu.

Không có vaccine phòng ngừa, không có pháp đồ điều trị hiệu quả, hàng ngàn người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong lên tới 90%, “Ebola” đã trở thành một từ khóa “nóng” với tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế. Nhất là trong tuần này, khi các ca nhiễm mới Ebola ngoài khu vực Tây Phi được phát hiện. Còn tại Mỹ, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm virus Ebola ở nước này – ông Thomas Eric Duncan – đã tử vong hôm 8/10 càng làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

Con số mới nhất được Tổ chức Y tế thế giới công bố cho thấy đã có hơn 4.000 người tử vong do virus Ebola. Nghiêm trọng đến nỗi, người đứng đầu Phái bộ LHQ phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola - ông Anthony Banbury - cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra là “nghiêm trọng chưa từng có” và “thế giới chưa từng chứng kiến sự việc nào như thế”.

Mối lo ngại toàn cầu được gọi tên "Ebola" đã lây lan với tốc độ chóng mặt. Theo Tiến sĩ Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, ước tính, vào đầu tháng 11, có thể có tới 20.000 ca nhiễm Ebola. Ông Masaya Kato cũng thừa nhận: "Ebola là một dịch bệnh nguy hiểm. Ở một số phân khúc, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%. Đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua tại Tây Phi có tỷ lệ tử vong là 50%".

Liên quan đến ca nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha, TS Masaya Kato cho biết: "Nữ y tá đã bị nhiễm Ebola là do tiếp xúc và chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm Ebola ở Sierra Leone sau đó trở về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chúng ta đều đã biết Ebola chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Việc hiểu được đường lây nhiễm bệnh là rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lây nhiễm của dịch bệnh. Có nghĩa là virus Ebola không lây qua đường không khí hay qua đường nước".

"Đối với trường hợp ở Mỹ, có 2 điều tôi muốn bình luận. Thứ nhất, về trường hợp tử vong của bệnh nhân Thomas Duncan, thực tế bệnh nhân này bị lây nhiễm tại châu Phi sau đó đi du lịch tới Mỹ, chứ không phải bị nhiễm ở Mỹ. Và chúng ta cũng biết đây là một dịch bệnh có nguy cơ tử vong cao. Với một dịch bệnh có nguy cơ tử vong cao như vậy, kể cả với một hệ thống chăm sóc y tế tốt như tại Mỹ, không phải tất cả các ca điều trị cũng khỏi và tránh được tử vong. Mặt khác, về mặt phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh từ người này sang người khác, việc xác định tất cả những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola là rất quan trọng.

Tôi nghĩ Mỹ cũng như Nigeria hay Senegal đã thực hiện việc xác định các ca nghi nhiễm rất sát sao. Tất cả những người tiếp xúc với gần trường hợp nhiễm bệnh đều được theo dõi trong vòng 21 ngày. Do vậy, tôi hy vọng rằng ở Mỹ cũng như ở các nước khác trên thế giới, nếu chúng ta thực hiện được công tác phát hiện và theo dõi sớm những người đã tiếp xúc với nguồn bệnh cũng góp phần khống chế tốt, hạn chế sự lây nhiễm của căn bệnh này" - ông bình luận thêm.

Khi được hỏi: "Liệu dịch bệnh này có nguy cơ lây lan tại châu Âu hay châu Á giống như đã lây lan ở Tây Phi hay không?", TS Masaya Kato cho biết: "Hãy để tôi tập trung vào trường hợp ở Việt Nam. Nguy cơ lây lan Ebola sang Việt Nam rất thấp. Vì số lượng người đi du lịch từ các nước Tây Phi đến Việt Nam không nhiều và rất hạn chế. Như tôi đã nói, việc lây nhiễm Ebola cũng phải qua tiếp xúc trực tiếp với những người dương tính với Ebola. Vì vậy, nguy cơ lây lan Ebola tại Việt Nam là rất thấp tại thời điểm này. Tuy nhiên, vẫn xảy ra khả năng là một số người đã nhiễm Ebola bên ngoài Việt Nam, du lịch đến những nước như Việt Nam. Nếu như trong trường hợp đó, chúng ta cần có các biện pháp như phát hiện sớm những người đầu tiên nhiễm bệnh và có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm để đảm bảo được việc khống chế lây nhiễm tại Việt Nam".

Đánh giá về nguy cơ bùng phát dịch Ebola trên toàn cầu, TS Masaya Kato nói: "Nhìn vào báo cáo về tình hình dịch bệnh Ebola trong tháng 10, số ca nhiễm đã lên tới khoảng 8.000, trong đó có khoảng 4.000 ca tử vong. Chúng ta có thể thấy rằng, cứ mỗi tuần trôi qua, số ca nhiễm mới lại tăng gấp đôi. Chúng tôi cũng ước tính rằng vào đầu tháng 11, có thể có tới 20.000 ca nhiễm Ebola. Vì vậy, cần phải có một nỗ lực hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của Ebola.

LHQ đã ước tính rằng sẽ cần phải chi khoảng 1 tỷ USD để ứng phó với dịch bệnh này. Ngoài ra, chúng ta rất cần các bác sĩ và nhân viên y tế có tay nghề. Một số nước đã đưa các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tới các nước nằm trong ổ dịch. Với nỗ lực hợp tác của các quốc gia trên thế giới, chúng tôi hy vọng rằng sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh này trong tương lai không xa".

Để lắng nghe cho tiết hơn những chia sẻ của TS Masaya Kato về mối nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, mời quý vị và các bạn theo dõi qua Video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước