Lo ngại cuộc xung đột Iran - Israel trở thành chiến tranh toàn diện

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/08/2024 14:04 GMT+7

VTV.vn - Các động thái ngoại giao và quân sự khiến căng thẳng Iran - Israel trở nên phức tạp hơn bao giờ hết với lo ngại cuộc xung đột sẽ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện.

"Lò lửa" Trung Đông tăng nhiệt

Ngay sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah tại Lebanon và thủ lĩnh Hamas tại Iran, lãnh đạo Iran đã liên tục công khai quyết tâm tấn công trả thù Israel. Phía Iran cho rằng không muốn leo thang căng thẳng trong khu vực, song, khẳng định việc trừng phạt Israel nhằm ngăn nước này gây thêm bất ổn.

Ông Nasser Kanaani (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran) - khẳng định: "Iran, bằng việc sử dụng quyền cơ bản của mình, dựa trên các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, chắc chắn sẽ thực hiện các hành động răn đe nghiêm túc để đảm bảo an ninh và trừng phạt kẻ xâm lược bằng sức mạnh, sự quyết tâm và cứng rắn".

Cùng với những tuyên bố cứng rắn, Iran đã phát đi thông báo yêu cầu các hãng hàng không tránh xa không phận của mình.

Lo ngại cuộc xung đột Iran - Israel trở thành chiến tranh toàn diện - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Về phía Israel, nước này đã tăng cường chuẩn bị, với kế hoạch ứng phó các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái, tên lửa và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quốc gia cũng như các thành phố lớn như Haifa và Tel Aviv. Israel cũng đã ra lệnh sơ tán trên diện rộng ở các khu vực xung quanh thành phố Khan Younis thuộc miền Nam Dải Gaza để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới tại đây.

Tại Israel, người dân đã tích trữ hàng hóa cơ bản như thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai và các vật dụng cần thiết khác sau khi chính quyền ban hành hướng dẫn về những biện pháp chuẩn bị trong trường hợp bị tấn công. Cư dân được khuyến cáo chuẩn bị hầm trú bom và dự trữ đủ thực phẩm và nước cho 3 ngày. Các dịch vụ khẩn cấp của Israel đã tăng cường khả năng sẵn sàng với các cuộc diễn tập để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh và mất điện.

Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel - những ngày qua cũng liên tiếp triển khai tàu khu trục cùng các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 tiên tiến đến Trung Đông nhằm giúp Israel đối phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Trước tình hình khó lường bởi các cuộc trả đũa chồng chéo, một loạt quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Ba Lan… đang ra khuyến cáo người dân nhanh chóng rời khỏi hoặc tránh đến Lebanon, Iran đề phòng một loạt kịch bản xung đột có thể xảy ra.

Vòng xoáy căng thẳng Israel - Iran

Trung Đông đứng bên bờ vực xung đột lan rộng suốt 1 năm qua kể từ khi đụng độ giữa Israel và Hamas bùng phát tháng 10/2023. Căng thẳng lần thứ 2 giữa Israel - Iran một lần nữa đặt khu vực vào những ngã rẽ khó lường.

Căng thẳng lần này đang làm sâu đậm hơn mối thâm thù kéo dài hàng chục năm qua giữa Israel và Iran. Tại Trung Đông, nhà nước Israel đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng và thực tế là nhiều quốc gia Arab đang xích lại gần hơn với chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Iran luôn muốn xác định mình là người bảo vệ Hồi giáo trong khu vực và là một trong các quốc gia đi đầu ở Trung Đông đứng lên chống lại Mỹ và Israel. Vụ sát hại thủ lĩnh Hamas ngay tại Tehran khi tới tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Iran Masoud Pezeshkian có thể khiến mối quan hệ kình địch giữa hai bên leo lên một nấc thang căng thẳng mới.

Lo ngại cuộc xung đột Iran - Israel trở thành chiến tranh toàn diện - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Quan hệ Israel - Iran bắt đầu trở nên thù địch sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Năm 1982, Iran thành lập lực lượng dân quân Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, chiến đấu chống lại Israel trong cuộc chiến tại Lebanon. Vào giữa những năm 1990, Israel ngày càng lo ngại về khả năng Iran nối lại chương trình hạt nhân, vốn bị gián đoạn sau cuộc cách mạng năm 1979.

Vào đầu những năm 2000, căng thẳng gia tăng khi Iran đạt tiến bộ trong phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Năm 2006, khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah, Tel Aviv cáo buộc Tehran đã cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang ở Lebanon, cho phép họ tấn công sâu vào lãnh thổ Israel.

Năm 2009, Iran cáo buộc hai nước Israel và Mỹ phá hoại chương trình hạt nhân của họ bằng phần mềm mã độc mang tên Stuxnet. Iran cũng cho rằng Israel đã ám sát một số nhà vật lý và kỹ sư chuyên ngành ở Tehran. Năm 2015, khi Iran và nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân, Israel đã phản ứng gay gắt, cho rằng điều này không thể ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Năm 2023, trong xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza, Iran tuyên bố ủng hộ Hamas chống lại Israel, kêu gọi các nước Hồi giáo cấm vận Israel. Tháng 4/2024 là vụ tấn công tòa nhà lãnh sự trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Syria khiến 7 người thiệt mạng. Iran cho rằng Israel là thủ phạm và không kích đáp trả bằng máy bay không người lái.

Lo ngại về cuộc chiến ủy nhiệm tại Trung Đông

Trong lúc này, nhiều hãng hàng không quốc tế đã chuyển hướng tránh không phận Iran, Israel và Lebanon do lo ngại đáp trả của Iran và đồng minh nhằm vào Israel có thể xảy ra bất cứ khi nào. Các lực lượng thân Iran như Hezbolla ở Lebanon hay Houthi ở Yemen tuyên bố sẵn sàng phát động tấn công Israel riêng rẽ. Sự căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel đang đặt toàn Trung Đông trên bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với nguy cơ lôi kéo sự can dự của nhiều quốc gia và nhóm vũ trang khác trong khu vực.

Những cuộc chiến trên nhiều mặt trận ở Dải Gaza vẫn liên tiếp diễn ra trong khi những lo ngại về các cuộc tấn công mới nhằm vào Israel ngày càng tăng cao với các cảnh báo từ Iran cùng các lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Ông Sayyed Hassan Nasrallah (lãnh đạo lực lượng Hezbollah) nói: "Sau vụ ám sát lãnh đạo Sayyed Fouad, Hezbollah thấy mình có nghĩa vụ phải đáp trả và Iran sẽ đáp trả".

Ông Abdul-Malik Al-Houthi (lãnh đạo lực lượng Houthi ở Yemen) khẳng định: "Chúng tôi sẽ phối hợp với trục kháng chiến trong bất kỳ hoạt động chung nào. Quyết định phản ứng là quyết định của tất cả mọi người, ở cấp độ toàn bộ trục kháng chiến và ở cấp độ từng mặt trận riêng lẻ".

Lo ngại cuộc xung đột Iran - Israel trở thành chiến tranh toàn diện - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Trong bối cảnh cả Iran, Hezbollah, Houthi tuyên bố phối hợp đáp trả, Israel sẽ phải đối mặt với nhiều lực lượng với quy mô quân sự lớn. Hezbollah có hơn 70.000 rocket và tên lửa, bao gồm tên lửa tầm xa và tên lửa dẫn đường chính xác. Trong khi Houthi có nhiều vũ khí tấn công tầm xa nguy hiểm và chính xác. Trong vài năm qua, kho tên lửa của Houthi, từ tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, đã tăng lên đáng kể cùng nhiều tổ hợp tên lửa đạn đạo khó đối phó.

Về phần mình, Israel nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và Anh. Lực lượng Mỹ, Anh đã phá hủy một số tên lửa và máy bay không người lái mà Iran phóng vào Israel hồi tháng 4.

Trước một cuộc tấn công mới của trục kháng chiến vào Israel, Mỹ đã công bố các bước tăng cường hiện diện ở Trung Đông, bổ sung thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu.

Ông John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết: "Chúng tôi nhất quán, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, rằng chúng tôi sẽ đứng lên và bảo vệ Israel. Vào tháng 4, khi Iran phóng 300 tên lửa và máy bay không người lái, Mỹ đã có máy bay chiến đấu để bắn hạ. Bây giờ chúng tôi đã bổ sung thêm các khí tài quân sự, hải quân và không quân để giúp bảo vệ Israel một lần nữa".

Cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel hiện đã leo thang thành một cuộc chiến nguy hiểm và trực tiếp hơn, kéo theo nhiều bên, nhiều lực lượng tham gia, đẩy khu vực vào nguy cơ vòng xoáy chiến tranh, trả đũa. Cuộc chiến này cũng cho thấy bản chất bất ổn của khu vực và sự tương tác phức tạp của các lợi ích địa chính trị.

Có thể nói, mối quan hệ đối địch giữa Iran và Israel đã kéo dài và lúc này rất khó có thể nhìn thấy hoặc dự báo chính xác về triển vọng giải quyết các mâu thuẫn chồng chất trong hàng chục năm qua. Thời gian qua, cả hai bên đã duy trì lập trường tránh một cuộc đối đầu quân sự trực diện. Tuy nhiên, vụ sát hại thủ lĩnh Hamas ngay giữa Thủ đô của Iran lần này có thể là giọt nước tràn ly làm thay đổi cán cân vốn rất mong manh ở Trung Đông. Cho đến lúc này, các nước tại khu vực Trung Đông vẫn đang hy vọng cả Iran và Israel sẽ không bị sa vào cuộc phiêu lưu quân sự, đẩy những xung đột trực diện giữa hai quốc gia lên những nấc thang mới nguy hiểm hơn. Nếu căng thẳng leo thang bằng các hành động quân sự sẽ là mối đe dọa đối với không chỉ các nước trong khu vực mà còn đối với toàn thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước