Tuần này, Belarus chính thức là quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập tổ chức Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Liên tục kết nạp thành viên và lớn mạnh về vị thế, SCO đang dần chuyển từ một diễn đàn an ninh khu vực Trung Á sang một tổ chức có tham vọng toàn cầu rộng lớn hơn.
Vì sao SCO lại ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các quốc gia từ châu Á sang châu Âu? Liệu tầm nhìn của SCO trong việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực, phi phương Tây sẽ gặp những trở ngại và thách thức gì?
SCO và tầm nhìn hợp tác mới
"Một kỷ nguyên mới cho hợp tác và mở rộng" là thông điệp được nước chủ nhà Kazakhstan đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra vào giữa tuần này. Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh SCO nhóm họp theo hình thức "SCO+", với sự tham gia của các quốc gia thành viên, quan sát viên, đối tác đối thoại và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Tổ chức SCO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu. Chính vì vậy, rất nhiều những quyết sách quan trọng, mang tính định hình tương lai của SCO đã được thông qua tại hội nghị năm nay.
Với khẩu hiệu "Tăng cường đối thoại đa phương - phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững", Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO) năm nay đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp Belarus thành thành viên thứ 10 của tổ chức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: "Không có núi non hay đại dương nào có thể ngăn cách được những con người có chung khát vọng. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chúng tôi tổ chức dưới hình thức ‘SCO +’. Với những người bạn tốt và đối tác mới cùng ngồi đây để thảo luận những vấn đề quan trọng, điều đó cho thấy rằng trong tình hình của thời đại mới, tầm nhìn của tổ chức chúng ta đã được phổ biến rộng rãi và các quốc gia thành viên của tổ chức có bạn bè trên khắp thế giới".
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí chuyển đổi cơ cấu chống khủng bố khu vực của SCO thành một trung tâm toàn cầu nhằm ứng phó với hàng loạt mối đe dọa an ninh.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận sáng kiến xây dựng một hệ thống an ninh Á - Âu mới do Tổng thống Nga Putin đề xuất. Theo đó, hệ thống này không có các lực lượng ở bên ngoài khu vực. Các cơ chế, thể chế và thỏa thuận phục vụ cho mục tiêu chung "ổn định và phát triển" sẽ do các quốc gia thành viên và các cơ quan khu vực của SCO tự quyết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Vòng tròn các quốc gia ủng hộ trật tự thế giới công bằng và sẵn sàng kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình cũng như bảo vệ các giá trị truyền thống đang được mở rộng".
Dựa trên lợi thế chung của nhiều quốc gia thành viên SCO là giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và năng lượng, vấn đề hợp tác năng lượng cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu để thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO năm nay. Chính phủ Kazakhstan đã chính thức công bố bản "Chiến lược Phát triển Hợp tác năng lượng giữa các quốc gia SCO đến năm 2030" được lãnh đạo các quốc gia SCO ký phê chuẩn tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này.
Theo ông Nurlan Baibazarov - Phó Thủ tướng Kazakhstan: "Tầm quan trọng của các văn bản được thông qua đều ở mức chưa từng có. Chúng tôi tự tin khẳng định rằng đây là một trong những hội nghị tiêu biểu trong lịch sử kể từ thành lập tổ chức hợp tác Thượng Hải".
Bên cạnh hợp tác, kết nối về năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, công nghệ cũng là những ưu tiên lớn khác được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO năm nay. Đáng chú ý, SCO cũng đang tăng tốc kế hoạch xây dựng cấu trúc tài chính riêng, bao gồm cơ chế thanh toán và việc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên SCO trong giao dịch thương mại nội khối.
Trong lịch sử hơn 2 thập kỷ thành lập, chưa bao giờ các hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lại thu hút sự quan tâm của các nước như hiện nay. SCO đang trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả và là một chủ thể quan trọng ở khu vực Á - Âu và rộng lớn hơn.
Hiện SCO bao gồm 10 thành viên (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgysztan, Tazikistan, Uzebekishtan, Pakistan và Belarus) cùng 14 đối tác đối thoại và 3 quan sát viên.
Các thành viên của SCO hiện có quy mô chiếm 44% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu.
SCO cũng có quan hệ với một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
SCO mở rộng kết nạp thành viên - tầm nhìn cho tương lai
Hiện tại, SCO đã phát triển từ một tổ chức an ninh khu vực trở thành một nền tảng rộng lớn thúc đẩy trao đổi và hợp tác kinh tế, với 2 đầu tàu và cũng là 2 thành viên sáng lập là Nga và Trung Quốc.
Theo giới phân tích, hiện nay đối với SCO, không chỉ an ninh ở khu vực châu Á là quan trọng, mà rộng hơn là an ninh trên lục địa Á - Âu. Có một lục địa Á - Âu rộng lớn, có cấu trúc an ninh châu Âu và cấu trúc an ninh châu Á, đó chính là SCO. Với việc gia nhập của Belarus, SCO bắt đầu bao phủ biên giới của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus. Lúc này, SCO đã trở thành một cấu trúc an ninh và hợp tác Á - Âu hoàn chỉnh chứ không chỉ là cấu trúc châu Á. Với tiềm năng công nghiệp và nông nghiệp to lớn, Belarus được cho là sẽ củng cố nền kinh tế của các nước thuộc SCO. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu rõ ràng cho thấy SCO có thể mở rộng không chỉ ở châu Á mà còn ở phương Tây. SCO đã tiến đến biên giới NATO theo nghĩa đen.
Với tư cách là thành viên sáng lập, Trung Quốc luôn đánh giá cao những thành tựu đã đạt được và kỳ vọng Tổ chức hợp tác Thượng Hải sẽ trở thành một cơ chế đa phương hiệu quả, có vị thế quan trọng ở khu vực cũng như thế giới. Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh coi Tổ chức hợp tác Thượng Hải là ưu tiên ngoại giao và và xem đây là một diễn đàn quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy các sáng kiến do nước này đề xuất, điển hình là khái niệm Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh môi trường quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy xây dựng thế giới đa cực bình đẳng và quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, hợp lý hơn.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, trên cương vị chủ tịch luân phiên 2024 - 2025, Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá "Tinh thần Thượng Hải" với nội dung cơ bản là "tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, tôn trọng các nền văn minh đa dạng, và tìm kiếm sự phát triển chung"; đồng thời thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các thành viên trên 4 lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa.
SCO thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực
Có thể thấy SCO đang liên tục mở rộng về quy mô và ảnh hưởng. Từ một tổ chức khu vực tập trung ở Trung Á, nay đã thành một diễn đàn rộng lớn hơn bao gồm các quốc gia từ Đông Á, Nam Á, Trung Đông và Đông Âu. Cạnh tranh quyết liệt giữa nước lớn trong định hình trật tự thế giới mới cùng hợp tác ngày càng thực chất và sâu rộng trong khuôn khổ SCO đang đem lại vị thế và tầm vóc mới cho Tổ chức này trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Việc Belarus chính thức gia nhập SCO phản ánh sự hấp dẫn của tổ chức này về mặt giá trị và triển vọng phát triển. Sự mở rộng này cho phép SCO đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế, là động lực mạnh mẽ của quá trình phát triển toàn cầu trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Với các thành viên hiện diện ở 3 châu lục, SCO cho thấy tiềm năng lớn về kinh tế, năng lượng và quân sự cũng như sức mạnh chung. Sự mở rộng của SCO ngày càng được coi là trung tâm của trật tự thế giới đa cực mà Nga và Trung Quốc đang ủng hộ.
Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, SCO hay BRICS có thể là "nguyên mẫu của trật tự thế giới đa cực" bởi thể chế của những liên kết này được xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và những điều luật quốc tế đã được thừa nhận.
Tuy nhiên, cũng có những nhận định cho rằng, để tổ chức SCO có thể phát triển bền vững, các thành viên phải tìm ra sợi dây liên kết cùng hưởng lợi giữa SCO và với các nước khác ngoài SCO chứ không chỉ là biến SCO thành tổ chức chống phương Tây.
Ông Shakhrat Nuryshev - Đại sứ Kazakhstan tại Trung Quốc - cho rằng: "SCO chưa bao giờ tự định vị mình là một tổ chức quân sự. Mặc dù một số người cố gắng lôi kéo SCO vào những tranh chấp như vậy nhưng SCO luôn luôn duy trì vị thế cân bằng. SCO là một tổ chức hợp tác toàn diện và lĩnh vực an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên".
Thực tế phân mảnh và chia rẽ của tình hình địa chính trị thế giới đã đẩy nhu cầu tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển tăng cao với mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế mới - nơi tiếng nói của các nước đang phát triển trở nên mạnh mẽ và được tôn trọng.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các tổ chức hợp tác như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang nổi lên như những đối trọng, định hình một thế giới đa cực mới, giúp cân bằng các mối quan hệ khu vực và thế giới cũng như tạo ra các động lực mới cho một môi trường an ninh ổn định, tiến tới thịnh vượng về kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!