Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/08/2024 11:43 GMT+7

VTV.vn - “Lò lửa” Trung Đông đang thêm nóng, thậm chí rực cháy, với các “mồi lửa” mới. Liệu khu vực có thoát khỏi một cuộc chiến tranh diện rộng?

Hai vụ ám sát chỉ cách nhau vài giờ nhằm vào 2 quan chức cấp cao của Hamas và Hezbollah. Liên tiếp các cảnh báo trả đũa từ các bên liên quan được đưa ra làm tăng nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông chìm trong một cuộc chiến tranh tổng lực, trên diện rộng.

Những lời kêu gọi kiềm chế, các chuyến ngoại giao con thoi đang được thực hiện để làm dịu "chảo lửa" nhưng các con đường đi đến hòa đàm đều đang bế tắc. Các nỗ lực hòa giải có nguy cơ tan vỡ.

Các khủng hoảng đa chiều, từ khủng hoảng nhân đạo đến lương thực, y tế, vốn đã ở mức tồi tệ, đứng trước nguy cơ trở nên thảm khốc hơn. Vòng xoáy thù hận với những hành động "nóng" đang đẩy cục diện ở Trung Đông đi về đâu? Liệu khu vực có thoát khỏi một cuộc chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau?

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 1.

Khu dân cư bị tàn phá nặng nề ở thành phố Khan Yunis - phía Nam Dải Gaza, ngày 5/7 (Ảnh: AFP)

Trung Đông bên bờ vực chiến tranh

"Thùng thuốc súng" Trung Đông vốn đang nóng nay càng thêm sôi sục sau hai vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Iran và thủ lĩnh Hezbollah ở Lebanon. Những "mồi lửa" mới đang có nguy cơ đẩy khu vực vào một cuộc chiến diện rộng, làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng đa chiều, vốn đang rất thảm khốc tại khu vực.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát từ tháng 10/2023, có những thăng trầm, có những lần căng thẳng bị đẩy cao nhưng chưa khi nào khu vực Trung Đông đứng trước một tình huống nguy hiểm, sát bề miệng hố chiến tranh như trong những ngày qua. Liên tiếp các lời cảnh báo đáp trả Israel của Iran cùng các lực lượng khác được đưa ra sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Beirut, Lebanon.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã nhấn mạnh tiến hành các hành động trừng phạt nhằm vào Israel giờ đây là nghĩa vụ của Iran. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cùng lúc cũng cảnh báo Israel sẽ phải hứng chịu các cuộc đáp trả mạnh mẽ. Các lực lượng như Hamas, Hezbollah, Houthi cũng truyền đi các thông điệp tương tự.

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 2.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei dẫn đầu lễ cầu nguyện bên quan tài của cố lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và vệ sĩ của ông trong lễ tang tại Tehran, ngày 1/8 (Ảnh: AFP)

Ông Khalil Al-Hayya - Phó Thủ lĩnh Hamas tại Gaza - tuyên bố: "Thủ phạm của tội ác này phải trả giá. Hôm nay, Hamas tuyên bố rằng lực lượng chiếm đóng sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. Hamas sẽ phản ứng, Iran sẽ phản ứng, và trục kháng chiến sẽ phản ứng".

Ông Nasr Al-Din Amer - Phó Chủ tịch Cơ quan truyền thông của Houthi - nói: "Israel đang phải đối mặt khả năng đáp trả từ Yemen, từ Lebanon, từ Iran. Israel đang phải đổi mặt với làn sóng trả đũa lớn, đau đớn và khắc nghiệt".

Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nước này. Trong khi đó, trên tiền tuyến, các cuộc giao tranh giữa Israel với Hamas và Hezbollah vẫn tiếp diễn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định: "Những ngày đầy thử thách đang ở phía trước. Kể từ cuộc tấn công ở Beirut, có những lời đe dọa vang lên từ mọi hướng. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi kịch bản và chúng tôi sẽ đoàn kết và kiên quyết chống lại mọi mối đe dọa. Bất kỳ hành động nào chống lại chúng tôi đều phải trả giá đắt".

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia, thời gian và địa điểm của hai cuộc không kích nhắm vào các chỉ huy cấp cao của Hamas và Hezbollah đã trở thành "đòn giáng" mạnh vào Iran và Lebanon, làm tăng nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực toàn diện khi Iran tìm cách tái lập khả năng răn đe quân sự.

Lực lượng an ninh và các quan chức ở Israel, Iran, Lebanon phần lớn đều đồng ý rằng một cuộc xung đột toàn diện sẽ tàn phá tất cả các bên, bất kể bên nào giành chiến thắng. Tuy vậy, nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột vẫn leo thang trong khu vực.

Gian nan giải quyết xung đột Israel - Hamas

Đứng trước nguy cơ cả Trung Đông rơi vào một vòng xoáy chiến tranh, trả đũa, cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã có những phản ứng mạnh mẽ. Các thông điệp liên tiếp được gửi đi để kêu gọi các bên kiềm chế, không để tình hình vượt quá kiểm soát.

Các vụ ám sát nhằm vào các thủ lĩnh của Hamas, Hezbollah đã "phủ bóng" lên các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Dải Gaza, cũng như hy vọng giảm leo thang giữa Israel và các đối thủ được Iran hậu thuẫn trong khu vực. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cho cả khu vực vẫn là một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, đi kèm với đó là các nỗ lực giải quyết vấn đề Israel - Palestine vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một loạt chuyến ngoại giao con thoi đã được thực hiện để hạ nhiệt "lò lửa" Trung Đông. Mỹ, EU đều đã có các cuộc tiếp xúc với các quan chức Iran, Israel để hối thúc các bên kiềm chế, tìm một giải pháp hạ nhiệt xung đột. Các nhà ngoại giao cũng đang tiếp tục làm việc với các bên trung gian hòa giải để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được 1 thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trước khi xung đột leo thang thành một cuộc chiến tổng lực.

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 4.

(Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng: "Điều cấp bách là tất cả các bên phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong những ngày tới, bởi những lựa chọn đó là sự khác biệt giữa việc tiếp tục con đường bạo lực, bất an, đau khổ này hoặc chuyển sang một điều gì đó khác biệt và tốt hơn nhiều cho tất cả các bên liên quan. Tôi không thể dự đoán được tác động của những điều gì sẽ xảy ra tiếp đây nhưng tôi nghĩ rằng rõ ràng lệnh ngừng bắn là vì lợi ích của tất cả mọi người, vì lợi ích của người Israel, vì lợi ích của người Palestine, vì lợi ích của khu vực".

Tuy nhiên, triển vọng một cuộc đàm phán ngừng bắn vẫn hết sức mờ mịt.

Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh - một nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán ngứng bắn - được cho là sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng như hy vọng giảm căng thẳng Israel - Hamas. Ai Cập và Qatar - các bên trung gian hòa giải - cảnh báo việc ám sát thủ lĩnh Haniyeh sẽ làm chậm tiến trình đàm phán. Nhiều chuyên gia thậm chí lưu ý các cuộc đàm phán đã bế tắc ngay cả trước khi xảy ra các vụ việc tuần qua.

Theo Tiến sỹ Sanam Vakil - Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Trung tâm Chatham House: "Chúng ta sẽ tiếp tục ở trong chu kỳ nhỏ giọt của leo thang và giảm leo thang. Không có lối thoát thực sự rõ ràng nào để giải quyết những vấn đề này trên toàn khu vực. Về cơ bản là không giải quyết được xung đột giữa Israel và Iran, sẽ có những lúc lên xuống trong những tháng tới, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa".

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cho phép một nhóm đàm phán đến Cairo để đàm phán về tình hình tại Gaza, song, kết quả vẫn sẽ là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hệ lụy từ cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông

Không chỉ là những tác động về cục diện an ninh khu vực, khi xung đột leo thang, dân thường chính là những người chịu khổ đau nhiều nhất. Người dân Gaza đang phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc, từ khủng hoảng lương thực đến khủng hoảng y tế, nhân đạo, trong khi luôn luôn đau đáu những nỗi lo của chiến tranh, của bom rơi, đạn lạc, không lúc nào có thể yên bình. Gần 10 tháng xung đột bùng phát, những hệ lụy ấy còn vượt ra biên giới các bên trong xung đột, lan rộng ra khu vực, ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn 300 ngày kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023, gần 40.000 người Palestine, 1.400 người Israel thiệt mạng, 90% dân số Palestine - khoảng 1,9 triệu người - phải di dời. Hàng triệu người dân Gaza sống trong cảnh khốn khó cùng cực.

Tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức cao nhất, hệ thống y tế hoạt động cầm chừng, các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, viêm gan A, bại liệt lây lan rộng.

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 5.

Người dân Palestine tản cư tại Khan Yunis ở phía Nam Dải Gaza vào ngày 2/7 (Ảnh: AFP)

Ông Andrea De Domenico - Trưởng Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc - chia sẻ: "Vào tháng 11, Tổng thư ký đã nói rằng Gaza đang trở thành nghĩa địa của trẻ em. Thật không may, ông ấy đã đúng và đây chính là những gì Gaza đã trở thành. Cộng đồng quốc tế, thế giới phải trả lời câu hỏi con người còn phải đau khổ tới mức nào để đổi lấy an ninh? Bao nhiêu trẻ em phải mồ côi? Bao nhiêu người già cần phải chết? Bao nhiêu trẻ em cần phải bị tước đoạt tuổi thơ? Bao nhiêu thường dân phải trả giá đắt nhất cho điều đó?".

Xung đột cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Palestine. Liên hợp quốc ước tính kinh tế Palestine đã giảm 29% kể từ khi xung đột nổ ra. Tỷ lệ nghèo đói ở Gaza là hơn 50% và tiếp tục tăng. Chi phí tái thiết sau xung đột có thể lên tới 30 - 40 tỷ USD với những nỗ lực chưa từng có.

Đáng lo ngại, thiệt hại còn vượt qua Dải Gaza. Bất ổn ở Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, làm nguy cơ tăng giá năng lượng, nhất là dầu mỏ. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo nếu cuộc chiến mở rộng trên toàn khu vực có thể khiến giá dầu tăng tới 75%.

Các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định hậu quả chiến tranh ở khu vực Trung Đông còn kéo dài hàng thập kỷ sau khi kết thúc. Nhưng thời điểm kết thúc vẫn là dấu hỏi lớn khi quy mô cuộc chiến hiện nay đang ngày càng mở rộng.

Trung Đông có thoát khỏi chiến tranh diện rộng hay đẩy người dân chìm trong khổ đau? - Ảnh 6.

Khói bốc lên từ các quả đạn pháo của quân đội Israel rơi xuống làng Maroun al-Ras ở biên giới phía Nam Lebanon (Ảnh: AP)

Bình luận về những diễn biến mới nhất tại Trung Đông, Viện nghiên cứu Chatham House của Anh đã nhận xét rằng: "Các vụ ám sát các quan chức cấp cao Hamas, Hezbollah đặt cục diện khu vực vào một nghịch lý - Israel, Hamas, Hezbollah, Iran đang ngày càng tiến gần tới miệng hố chiến tranh nhưng chính các bên lại không mong muốn một cuộc chiến lan rộng".

Hòa bình vẫn còn xa vời bởi những vòng lặp leo thang căng thẳng và thiếu đi thiện chí hòa đàm cùng những toan tính riêng của từng bên. Các đòn đáp trả của Iran và các lực lượng thân Iran cũng như mức độ phản ứng từ Israel trong những ngày này sẽ chính là động thái định hình cục diện tình hình Trung Đông thời gian tới.

Đó là một bước ngoặt mới để tiến tới một giải pháp chính trị hay sẽ kéo các bên chìm sâu vào chiến tranh? Điều này sẽ còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc, ý định của từng bên trước tình hình hiện tại như bình luận của Thủ tướng Qatar về những diễn biến vừa qua tại Trung Đông: "Hòa bình cần những đối tác nghiêm túc!".

Căng thẳng leo thang tại Trung Đông Căng thẳng leo thang tại Trung Đông Trung Đông căng thẳng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Trung Đông căng thẳng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas NÓNG: Thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran NÓNG: Thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước