Vì sao trẻ dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng trang lứa?

Ban Khoa giáo, icon
07:09 ngày 30/10/2017

VTV.vn - Ở bé gái, nếu xuất hiện biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi thì được gọi là dậy thì sớm và với bé trai là trước 9 tuổi.

Quan sát của các chuyên gia cho thấy, trẻ em ngày nay lớn nhanh hơn trước và trung bình độ tuổi dậy thì của các em sớm hơn trước rất nhiều. Vì thế, nhiều bố mẹ bỏ qua mất giai đoạn để tăng chiều cao cho con.

Thầy thuốc ưu tú Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giai đoạn quan trọng nhất để phát triển chiều cao của trẻ chính là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Bé gái dậy thì trong khoảng 10 - 15 tuổi, còn bé trai trong khoảng 12 - 18 tuổi.

Hiện nay, tình trạng dậy thì sớm tăng lên rất nhiều. Trước đây, tại khoa Nội tiết, BV Nhi Trung ương, mỗi năm chỉ điều trị khoảng 200 cháu dậy thì sớm. Bây giờ, hàng năm có khoảng 500 cháu đến khám và điều trị.

Ở bé gái, nếu xuất hiện biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi thì được gọi là dậy thì sớm và với bé trai là trước 9 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn để biết những biểu hiện dậy thì ở trẻ.

Theo nghiên cứu, nếu trẻ dậy thì sớm thì thường sau này sẽ không cao như các bạn cùng trang lứa. Bé gái dậy thì sớm có thể thấp hơn bạn của mình tới 12cm. Đặc biệt, bé trai dậy thì sớm có thể thấp hơn 20cm so với bạn cùng trang lứa.

Trong 3 năm tiền dậy thì và dậy thì, trẻ có thể tăng trung bình 8-10cm/năm, cá biệt có cháu tăng tới 15-20 cm trong một năm. Vì vậy, làm sao để trẻ tăng chiều cao khi dậy thì sớm là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Để lắng nghe giải đáp về vấn đề này, mời quý vị theo dõi tư vấn của BS Lê Thị Hải trong chương trình Quý hơn vàng dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục