Gia tăng bệnh nhân tái mắc sốt xuất huyết lần 2, lần 3

Mai Lê, icon
09:23 ngày 08/09/2019

VTV.vn - Nhiều người chủ quan cho rằng bản thân vừa mắc sốt xuất huyết và điều trị xong thì sẽ không mắc bệnh nữa nên không phòng ngừa dẫn tới bị tái bệnh.

Bệnh nhân nhập viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết lần 2.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 16.000 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, đã tiếp nhận điều trị cho hơn 4.000 bệnh nhân mắc bệnh. Điều đáng nói, trong số 25% ca bị sốt xuất huyết xếp vào loại cảnh báo và nặng được điều trị tại bệnh viện thì đa phần đều là những bệnh nhân đã mắc sốt xuất huyết và bị tái bệnh lại lần 2, lần 3.

Anh L.V.S. (trú tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Đầu tháng 7 vừa rồi, anh bị sốt xuất huyết phải nằm điều trị tại bệnh viện huyện cả tuần. Sau khi khỏe mạnh và được xuất viện, anh chủ quan nghĩ rằng sẽ không mắc lại sốt xuất huyết vì bản thân mới bị xong. Không ngờ cách đây mấy hôm anh lại thấy người rã rời, mệt mỏi, đau nhức, sốt cao. Anh nhập viện thì nhận được kết quả bị sốt xuất huyết lần 2.

"Lần tái mắc bệnh này tôi thấy sức khỏe giảm sút rất nhiều, người rất yếu và được các bác sĩ bệnh viện huyện chuyển lên tuyến trên. Thật sự tôi không nghĩ là mình lại mắc bệnh lại, mà lần 2 lại nặng hơn lần 1 rất nhiều" - anh S. cho hay.

Còn chị T.T.T.L. (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Trong nhà có 5 người thì cả nhà 5 người đều đã bị sốt xuất huyết. Cứ nghĩ bị rồi sẽ thôi ai ngờ con gái tôi lại mắc sốt xuất huyết lần 2 phải nhập viện điều trị. Hiện nay, tình trạng bệnh của cháu đang diễn biến không được tốt, tiểu cầu liên tục giảm khiến gia đình tôi rất lo lắng!".

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, sốt xuất huyết do virus dengue gây ra. Virus dengue có 4 type là D1, D2, D3 và D4 thì hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã có 3 type. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do virus dengue type D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4.

Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với type virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các type virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết tái nhiễm với các type virus khác. Như vậy, mỗi người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 type của virus dengue.

Cũng theo bác sĩ Lâm, khác với những loại bệnh khác, khi đã mắc một lần, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh. Với sốt xuất huyết, mỗi lần mắc bệnh là do 1 type virus khác nhau, cơ thể chỉ tạo ra miễn dịch với type virus đó chứ chưa có khả năng chống lại các type còn lại. Nên lần bị sau thường nặng hơn lần bị trước do các kháng thể của 2 hoặc 3 type vi trùng cùng tồn tại và tác động lên cơ thể con người. Các phản ứng sốt, đau mỏi, xuất huyết sẽ trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, khi mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hay thứ 3, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay bệnh viện để được khám và được điều trị kịp thời. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lần 2 cần chú ý tuân thủ phác đồ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống hợp lý như uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, các loại nước trái cây, uống oresol để bù nước, ăn đồ ăn dễ tiêu... Đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị béo phì, tiểu đường, tim mạch, phụ nữ mang thai, trẻ em… cần được theo dõi chặt chẽ và phải chuyển lên tuyến trên để được điều trị kịp thời.

"Tốt nhất để không mắc bệnh sốt xuất huyết và không tái mắc bệnh, mọi người cần nâng cao ý thức trong việc phòng tránh dịch bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, ngủ màn… Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục từ 2 - 7 ngày, đau nhức các cơ, đau đầu nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời" - bác sĩ Lâm nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục