Đắk Lắk: Báo động gia tăng các ca mắc bệnh sốt rét

Tuấn Bảo, icon
11:54 ngày 02/08/2018

VTV.vn - Thông tin từ Trung tâm phòng, chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Đắk Lắk, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 161 trường hợp sốt rét, tăng 97,26% so với cùng kỳ 2017.

Tẩm màn và tiến hành phun thuốc tại các thôn bản.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, bệnh nhân sốt rét phân bố ở các vùng sốt rét lưu hành nhẹ, vừa và nặng của 13 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, huyện Ea Kar có số người mắc sốt rét cao nhất là 34 người, tiếp đến là huyện Krông Năng với 18 trường hợp, Ea Sup có 17 trường hợp, TP. Buôn Ma Thuột 12 trường hợp và huyện Lắk 10 trường hợp…

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Đắk Lắk, thông thường, 1 năm có 2 đợt để phòng chống dịch bệnh sốt rét. Đợt 1 vào tháng 4, 5 sẽ tiến hành tẩm màn cho người dân. Đợt 2 vào tháng 9, 10 sẽ tiến hành phun để phòng chống vector. Hai mùa cao điểm này thường gây ra nhiều ca sốt rét nếu không được phòng chống tốt.

Tuy nhiên, trong năm 2017 do không có kinh phí nên Trung tâm chỉ tiến hành tẩm màn chứ không phun hóa chất. Năm 2018 kinh phí để tẩm màn cũng không có nên chưa thể thực hiện công tác phòng chống chủ động. Tình hình diễn biến bệnh nhân mắc sốt rét tăng cao, nhất là ở 2 xã Ea Sar và Ea Sô của huyện Ea Kar. Trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh, Trung tâm đã sử dụng kinh phí của địa phương để xử lý phun, tẩm, phòng chống chủ động tại 2 xã này. Đến nay, tình trạng sốt rét ở 2 xã này đã được khống chế, không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc bệnh trong 1 tuần.

Theo bác sĩ Phúc, sắp tới tháng 9, 10 là mùa cao điểm của vector truyền bệnh sinh sản, phát triển gây bệnh. Thế nhưng, vẫn chưa có nguồn kinh phí từ trung ương để cung cấp hóa chất tẩm mùng và phun diệt vector truyền bệnh. Do đó, có khả năng sốt rét sẽ gia tăng trong thời gian tới nếu không có biện pháp chủ động để phòng chống.

Hiện nay, ngay cả vùng sốt rét lưu hành nhẹ vẫn ghi nhận vector truyền bệnh, thêm vào đó, tình trạng giao lưu biên giới, đi rừng, ngủ rẫy của người dân khiến ngành y tế không kiểm soát được. Trung tâm đang phân từng nhóm cán bộ chuyên trách đi tới các địa phương để điều tra côn trùng, lấy lam máu xét nghiệm để chủ động phát hiện ký sinh trùng sốt rét lưu hành hay không để tiến hành điều trị dự phòng. Đồng thời, tuyên truyền người dân đi rừng, ngủ rẫy phải nằm màn, sử dụng bóng màn do ngành y tế cấp. Khi có các triệu chứng mắc bệnh sốt rét, phải tới cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị bởi tất cả các trạm y tế tuyến xã hiện đã được cấp các dụng cụ text nhanh để chẩn đoán điều trị bệnh sốt rét.

Người mắc bệnh sốt rét là do muỗi Anopheles đốt, truyền ký sinh trùng Plasmodium spp. Khi vào cơ thể, chúng có thể ủ bệnh trong 8 - 40 ngày. Lúc này, người bệnh có cảm giác khó chịu, hay ớn lạnh. Giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân sẽ lên cơn sốt rét, có thể sốt trước rét sau hoặc rét trước sốt sau. Cơn rét run có thể kéo dài từ 15 phút đến một giờ. Trong vài ngày đầu, sốt có thể kéo dài thất thường, sau đó mới thành cơn rõ rệt. Người bệnh nhức đầu, buồn nôn, nhức cơ, mệt mỏi, đổ mồ hôi.

Trong vòng ba ngày đầu, khi sốt rét cơn xuất hiện, phải đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế. Giai đoạn này, việc điều trị rất dễ và chi phí thấp. Nhưng nếu để đến giai đoạn da bị vàng mới nhập viện, bệnh nhân dễ rơi vào các biến chứng nặng của sốt rét ác tính với các triệu chứng như thiếu máu, suy thận, suy gan, suy hô hấp, phù phổi, trụy tim mạch… Lúc này, phí điều trị rất cao và nguy cơ tử vong lớn (chiếm 5% - 40%). Do đó, người dân cần hết sức chủ động trong việc phòng, tránh bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục