Chế độ dinh dưỡng phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Tuấn Bảo, icon
03:03 ngày 03/05/2020

VTV.vn - Rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí tuệ, bệnh có thể phòng tránh được khi có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Hình minh họa.

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam vẫn ở mức cao (24,3%). Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 500 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thì 30% có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa khiến trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và lâu dài dẫn tới suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Rối loạn tiêu hóa khiến trẻ hấp thu kém, suy dinh dưỡng và cơ thể sẽ hình thành cơ chế từ chối ăn để không phải nạp thêm thực phẩm. Rối loạn tiêu hóa gây thiếu chất (đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết) sẽ càng gây biếng ăn ở trẻ, tạo thành vòng bệnh lý luẩn quẩn giữa rối loạn tiêu hóa - suy dinh dưỡng - biếng ăn - suy dinh dưỡng. Rối loạn tiêu hóa cũng làm giảm tỷ lệ lợi khuẩn trong ruột, giảm sức đề kháng, trẻ dễ mắc các bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, viêm đại tràng mãn tính… Rối loạn tiêu hóa nặng (tiêu chảy kéo dài) sẽ dẫn tới suy nhược, suy thận, hôn mê, thậm chí tử vong nếu trẻ không được bù nước và chất điện giải kịp thời.

TS.BS Phan Bích Nga nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa là loạn khuẩn đường ruột, do sức đề kháng của trẻ còn kém, hệ vi khuẩn có lợi chưa đủ sức ngăn chặn những vi khuẩn có hại xâm nhập từ đường ăn uống, hô hấp. Biểu hiện thường gặp là trẻ tiêu chảy nhiều lần, phân kèm theo nhầy, trường hợp nặng có thể đau bụng, sốt, phân lẫn máu.

Tình trạng loạn khuẩn đường ruột thường xảy ra trong các trường hợp: sử dụng kháng sinh, chế độ ăn không hợp lý, vệ sinh kém hoặc cũng có thể do bệnh lý như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm ruột…

TS.BS Phan Bích Nga khẳng định: Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết tới hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Vì vậy, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất, chế biến hợp vệ sinh...

Trước khi ăn, trẻ cần được rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Các bé dưới 2 tuổi không nên đưa đồ chơi vào miệng, hoặc phải rửa sạch và tiệt trùng đồ gặm nướu bằng nước sôi. Trẻ dưới một tuổi không nên ăn dặm quá sớm (trước 5 tháng tuổi). Việc dung nạp thức ăn thô sớm khiến dạ dày và ruột hoạt động quá khả năng, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt dễ tổn thương và rối loạn. Với trẻ lớn hơn, bữa ăn cần cân đối 4 nhóm chất (đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các món ăn phải đảm bảo tính an toàn, tươi sạch, đun sôi nấu chín.

Khi cho trẻ uống sữa bột, cha mẹ cần pha theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng sữa để quá một giờ đồng hồ. Bình và núm cần được rửa, tiệt trùng trước và sau sử dụng. Với trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên ưu tiện chọn loại sữa giàu chất xơ tự nhiên, có khả năng chuyển hóa cao và nhiều enzyme hỗ trợ tiêu hóa.

Các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa của trẻ thường bị thiếu hụt, do đó cha mẹ có thể bổ sung các loại men vi sinh giúp trẻ tăng cường hấp thụ thức ăn, chống biếng ăn và rối loạn tiêu hóa hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục