Chế độ dinh dưỡng cho các bà mẹ trong thai kỳ

Lê Thạch, icon
10:54 ngày 21/10/2018

VTV.vn - Ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, chế độ ăn cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của thai nhi.

Hình minh họa (Ảnh: livescience)

Theo ThS. Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong suốt thai kỳ, người mẹ cần được đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ chất để tăng cường sức khỏe của mẹ và đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của thai nhi.

Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng đầu

Ngay từ ngày thứ 18 của phôi đã có mầm mống hình thành não và khi phôi được 3 tháng tuổi thì não đã có đủ các thành phần. Cơ bản, chế độ ăn của phụ nữ mang thai 3 tháng đầu giống với thời điểm trước khi mang thai. Tuy nhiên, đây là giai đoạn hình thành các cơ quan, tổ chức của thai nhi như tủy sống, não, tim, phổi, gan... nên cần ăn tăng cường các thực phẩm giàu đạm, giúp cung cấp các nguyên liệu tạo hình, xây dựng cơ thể như: thịt cá, trứng, sữa, đậu đỗ.

Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật có nhiều acid amin cần thiết mà cơ thể không thể tổng hợp được và ở tỷ lệ cân đối nên có giá trị sinh học cao, rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Nhóm thực phẩm giàu đạm thực vật thường có ít hoặc thiếu các acid amin cần thiết hoặc không cân đối bằng chất đạm động vật nhưng lại có nhiều lysine, là một acid amin thiết yếu có vai trò trong quá trình tăng trưởng của cơ thể.

Mỗi ngày phụ nữ mang thai nên ăn đa dạng và đủ 5 đơn vị thịt/cá/ hải sản (mỗi đơn vị ăn cung cấp 7g đạm và tương ứng với: 37g thịt nạc, 46g thịt lợn ba chỉ, 34g thịt bò, 40g thịt lườn gà, 42g tôm đồng, 38g cá quả, 1 quả trứng gà, 58g đậu phụ rán, 38g đậu xanh/đậu đen…). Mỗi ngày có thể ăn kết hợp: 1 quả trứng vào buổi sáng, bữa trưa 1 bìa đậu phụ nhỏ với 1/3 lạng thịt bò, bữa tối 1/3 lạng thịt nạc và nửa lạng tôm đồng là có thể cung cấp đủ nhu cầu về thịt/cá/hải sản trong một ngày.

Trong giai đoạn này, bà mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và cần chế biến các món ăn phù hợp với khẩu vị để khắc phục tình trạng nghén và đạt mức tăng cân phù hợp. Trong trường hợp bị nghén nhẹ như buồn nôn, nôn hay sợ ăn một số thức ăn, thì người mẹ cố gắng thay thế thức ăn này sang một số thức ăn hoặc đồ uống khác phù hợp để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng. Hạn chế ăn các thức ăn xào, rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng.

Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng giữa

Thời điểm 20 tuần tuổi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi, khi não bộ thai nhi tăng mạnh về khối lượng và dần hoàn thiện về chức năng. Thai nhi từ tuần thứ 20 đến khi chào đời, kích thước não bộ tăng gấp 6 lần và tế bào thần kinh kết nối phức tạp hơn, quá trình này cần rất nhiều dưỡng chất như axit folic, vitamin B6, B12, mangan, đồng, i-ốt, vitamin D, cholin, sắt và kẽm.

Giai đọan 3 tháng giữa của thai kỳ cũng là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên chú ý ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Cần bảo đảm cung cấp đủ canxi 1.200mg/ngày, vì thế ngoài chế độ ăn thông thường người mẹ cần uống thêm 5 đơn vị sữa/ngày (bao gồm sữa và các chế phẩm của sữa tương đương 500mg canxi bao gồm: 1 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200 ml sữa) ...

Đây là giai đoạn thai phát triển nhanh vì vậy cần tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, trong 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).

Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng cuối

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thai nhi.

Theo Viện Dinh dưỡng, mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng cuối là cung cấp tăng 450 kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý). Cần đảm bảo số lượng và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết). Cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh...) và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Giai đoạn này nên uống 6 đơn vị sữa mỗi ngày (tương đương 600 mg canxi bao gồm: 2 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200 ml sữa).

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhanh nhất, ngoài ra là quá trình tích lũy mỡ dưới da của thai nhi. Vì vậy, cần cung cấp đủ nhu cầu tăng lên về năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai. Chế độ ăn của người mẹ đủ acid béo không no cần thiết, đủ DHA có trong các loại cá béo, trứng gà, sữa và các loại hạt…sẽ giúp trẻ tăng cường trí thông minh, có thị giác tốt và hệ tim mạch khỏe mạnh.

Để mẹ khỏe, con khỏe cần tiến hành thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt và sớm nhất có thể, từ giai đoạn trẻ gái vị thành niên đến giai đoạn dự định có thai, khi mang thai và xuyên suốt trong giai đoạn cho con bú, nuôi dưỡng con nhỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục