Cấp cứu bệnh nhân tắc ruột do lao

Văn Thành, icon
07:30 ngày 08/01/2022

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tắc ruột do lao cho bệnh nhân lớn tuổi.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.V.L., (57 tuổi, trú tại Hà Nội) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bụng chướng, đau theo cơn, quai ruột nổi rõ.

Khi thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc ruột nên đã chỉ định cho bệnh nhân siêu âm, chụp CT để chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh.

Qua phim, các bác sĩ thấy rõ các quai ruột non dãn, hình ảnh tiểu tiết ở hố chậu phải, dịch tự do ở ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu do tắc ruột.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân đã được mổ ruột thừa nội soi ở tuyến dưới cách đây 1 tháng, sau mổ bệnh nhân thường xuyên có các dấu hiệu đau bụng từng cơn, nôn, bí đại trung tiện. Bệnh nhân đã 2 lần nhập viện điều trị tắc ruột do dính ruột sau mổ.

BSCKII. Bùi Đức Duy, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa cho biết: Nguyên nhân tắc ruột ở bệnh nhân là củ lao góc hồi men tràng, kích thước 6x4cm giãn toàn bộ quai ruột non phía trên. Hỗng tràng cách góc hồi men tràng 60 cm có tổn thương, dạng củ lao, kích thước 4x3cm gây hẹp lòng ruột một tầng. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt 2 đoạn ruột non và khâu nối lại.

Sau mổ 7 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, mạch huyết áp ổn định, bụng mền, ăn uống đi lại bình thường.

Giải phẫu bệnh đoạn ruột non tách ra là tổn thương lao, các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên khoa lao và xây dựng phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.

Bác sĩ Duy cho biết thêm: Bệnh nhân này đã có nhiều lần đau bụng và tắc ruột, triệu trứng của lao đường tiêu hóa rất khó phân biệt với một số bênh lý ngoại khoa khác như viêm ruột thừa, tắc ruột… Những biểu hiện đặc trưng của người bị bệnh lao ruột có thể kể đến như: biếng ăn, sụt cân, cơ thể mệt mỏi và nhất là rối loạn tiêu hóa. Không chỉ vậy, người bệnh còn có các dấu hiệu như sốt nhẹ về chiều.

Hệ quả của bệnh lao ruột là gây nên những tổn thương đặc hiệu tại ruột với cấp độ triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Do đó, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời lao ruột, người bệnh sẽ dễ gặp các biến chứng như thủng ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng… hệ quả là dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Bác sĩ Duy lưu ý: Người bệnh lao ruột cần chú ý chế độ ăn hạn chế thức ăn đặc, có tính chất nóng như hạt điều, thực phẩm dễ gây táo bón… Thay vào đó, người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu và ăn nhiều rau cho nhuận tràng.

Về sinh hoạt thường ngày, người bệnh cần giữ vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt thường ngày, đặc biệt chú ý không sử dụng sữa bò tươi chưa được xử lý qua. Lao ruột không đơn giản là lây qua đường ăn uống, đường hô hấp - trừ khi bệnh nhân có mắc thêm lao phổi. Lao ruột cũng không lây khi chung nhà vệ sinh.

Người bệnh và người nhà cần lưu ý khi cảm thấy cơ thể có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục