Cảnh báo ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng

Mai Chi, Thiên Thanh, icon
08:41 ngày 25/11/2024

VTV.vn - Ngộ độc thuốc gây tê khi nhổ răng là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh nhi bị ngộ độc thuốc tê. Ảnh: CDC Đồng Nai

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tiếp nhận và cứu sống kịp thời một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê do nhổ răng khôn tại một phòng khám nha khoa tư nhân trên địa bàn huyện.

Bệnh nhân là chị N.T.T.M. (48 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, tức ngực khó thở, kích thích, run giật cơ. Mạch 108 lần/phút, HA 83/53, nhịp thở 26 lần/ phút. Spo2: 94%.

Ekip trực đã khẩn trương khám. Qua khai thác bệnh sử được biết: Bệnh nhân đến phòng khám nha tư nhân để nhổ răng khôn, sau khi chích thuốc tê (Lidocain) được 20 phút bệnh nhân thấy mệt, khó chịu, tức ngực, lo lắng, được xử trí 1 ống Adrenalin 1mg tiêm bắp và chuyển bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc (Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc).

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê và đã kịp thời xử trí cho bệnh nhân theo phác đồ ngộ độc thuốc tê và truyền tĩnh mạch; thở ô xy, truyền dịch nâng huyết áp.

Sau 45 phút bệnh nhân hết kích thích, hết run giật cơ, các chỉ số sinh tồn ổn định: Mạch 96 lần/phút; Nhịp thở 20 lần/phút; HA 118/68mmHg, Spo2: 98%.

Trước đó, tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cũng tiếp nhận một bệnh nhân từ phòng khám nha khoa tư nhân đưa đến trong tình trạng khó thở, kích động, nói nhảm và run giật cơ. Bệnh nhân được xác định ngộ độc thuốc tê và xử trí theo phác đồ điều trị, được cứu sống kịp thời.

Sáng ngày 25/11, BSCKII. Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai) cũng cho biết, bệnh viện vừa kịp thời cứu sống bệnh nhi bị ngộ độc thuốc tê nặng. Đó là bệnh nhi N.M.H. (5 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).

Bệnh nhi nhập viện lúc 14h30 phút ngày 24/11, trong tình trạng lơ mơ, gồng cứng tứ chi, co giật cơ, hàm cắn chặt, chi mát.

Mẹ của bệnh nhi cho biết, lúc 10h sáng cùng ngày, bệnh nhi đi nhổ răng tại phòng khám nha khoa tư nhân, có sử dụng thuốc tê Lidocain xịt tại chỗ. Lúc về nhà khoảng 13h30 phút, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng tím tái, co giật, lơ mơ, nôn ói và được đưa vào trạm y tế xã La Ngà, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán.

Nhận định đây là trường hợp ngộ độc thuốc tê mức độ nặng, bệnh nhi nhanh chóng được ekip bác sĩ cấp cứu theo phác đồ ngộ độc thuốc tê. Sau 30 phút, bệnh nhi cải thiện tri giác, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, chi ấm. Bệnh nhi được làm các cận lâm sàng bổ sung, chụp CTscanner sọ não trong giới hạn bình thường. Hiện bệnh nhi tỉnh táo táo, ăn uống được, không co giật, sinh hiệu ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ - Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán - người trực tiếp điều trị bệnh nhi cho biết, ngộ độc thuốc tê nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn thần kinh, rối loạn nhip tim, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong nhanh chóng. Trường hợp của bệnh nhi này mặc dù phát hiện trễ nhưng may được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và xử trí kịp thời nên tiên lượng tốt.

Theo BSCKI. Phùng Văn Phú - Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, ngộ độc thuốc tê là tình trạng độc tính thuốc tê ảnh hưởng lên toàn thân, nổi trội ở hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc tê sẽ ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể, ít hay nhiều tùy thuộc vào nồng độ thuốc tê trong máu, cũng như phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh.

Thuốc tê, đặc biệt là các thuốc tê nhóm amid (như Lidocaine, Bupivacaine, Levobupivacaine, Ropivacaine) được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, các chuyên khoa như răng hàm mặt, sản khoa… cũng như các phòng khám tư nhân.

Những triệu chứng ngộ độc ở hệ thần kinh trung ương bao gồm các biểu hiện kích thích từ nhẹ đến nặng như bứt rứt, khó chịu, thay đổi vị giác, nói nhảm, co giật nhóm cơ ở vùng đầu mặt cổ, co giật toàn thân; hoặc ức chế (lơ mơ, giảm đáp ứng, ngủ gà, thậm chí hôn mê).

Đối với hệ tuần hoàn, sẽ gặp các triệu chứng bao gồm biểu hiện kích thích trong giai đoạn đầu như huyết áp tăng, tim đập nhanh, vã mồ hôi.

Biểu hiện ức chế trong giai đoạn muộn như nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền thần kinh tim, huyết áp tụt và nặng nhất là ngưng tuần hoàn, dẫn đến tử vong.

"Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, tuy hiếm gặp nhưng xảy ra là rất nặng. Nếu bác sĩ không nhận diện ra, không chẩn đoán đúng, xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ diễn biến nặng và tử vong"- bác sĩ Phùng nói.

Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc thuốc tê, cần ngưng việc tiêm thuốc tê và xử trí theo biện pháp ưu tiên hàng đầu là truyền và xử lý theo phác đồ điều trị.

"Để tránh những hậu quả đáng tiếc, người dân nên lựa chọn những cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để nhổ răng hoặc can thiệp thẩm mỹ răng hàm mặt để được xử trí kịp thời khi xảy ra các biến chứng, ngộ độc do thuốc gây tê" - bác sĩ Phùng khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục