Bệnh lao có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa

Thu Huế - Quang Nhật, icon
09:51 ngày 24/03/2021

VTV.vn - Nếu trước đây, bệnh lao thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi thì nay, căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh.

Bệnh nhân H'N. đang được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 30 nước chịu gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tại Đắk Lắk, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, số lượng bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không có chiều hướng giảm, thậm chí còn tăng. Cụ thể, năm 2019 bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 990 bệnh nhân lao, năm 2020, số bệnh nhân là 1.109. Đặc biệt, 1/3 trong số đó ở độ tuổi lao động, từ 15 - 34 tuổi và nhiều người trong số đó không có kiến thức về bệnh lao.

Bệnh nhân H’N. H’Mok (19 tuổi) ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk điều trị bệnh lao tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk đã được hơn 1 tuần. H’N. đang làm công nhân may mặc tại TP. Hồ Chí Minh.

Cách đây khoảng 2 tháng, H’N có biểu hiện mệt mỏi, hay sốt về chiều, khạc đờm nhiều. Gia đình đã mua thuốc về cho uống nhưng các triệu chứng không giảm. H’N. đi khám và được xác định là mắc bệnh lao phổi.

Đặc biệt, H’N lại đang mang thai tháng thứ 7, người gầy gò, xanh xao. Điều này khiến việc điều trị bệnh khó khăn hơn vì một số loại thuốc chữa bệnh lao chống chỉ định với người mang thai.

Trường hợp khác là bệnh nhân Lê Cao N. (25 tuổi) ở thành phố Buôn Ma Thuột. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cấp cứu trong tình trạng ho ra máu nhiều.

Mặc dù bệnh nhân chưa thể làm xét nghiệm đờm để xác định bệnh, nhưng theo các y bác sĩ, kết quả chụp X-quang phổi của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương nhiều, khả năng lớn bệnh nhân mắc lao phổi.

"Trước Tết, em N. có đi khám ở Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ tại đây bảo 80% khả năng mắc lao phổi nên đề nghị gia đình về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám và điều trị. Cách đây 2 ngày, tôi chưa kịp làm giấy chuyển viện thì em ho ra máu quá nhiều nên gia đình đưa đến đây cấp cứu luôn" - mẹ bệnh nhân Lê Cao N. cho biết.

Bệnh lao có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Lê Cao N.

Số liệu của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk cho thấy: Năm 2019, số bệnh nhân lao phổi ở độ tuổi từ 15 - 34 chiếm tỷ lệ 34,4%. Năm 2020, tỷ lệ này là 31%. Đáng lưu ý, năm 2020 bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 23 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, trong đó có 15 bệnh nhân ở độ tuổi từ 18 - 30, chiếm tỷ lệ 65%. Hầu hết số bệnh nhân này đều là công nhân, đang làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy ở các tỉnh phía Nam.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, chỉ có khoảng 5 - 10% người nhiễm vi khuẩn lao tiến triển thành bệnh lao. Lý do khiến giới trẻ hiện nay mắc bệnh lao nhiều có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thứ nhất là môi trường làm việc không đảm bảo, như tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, đặc biệt, tại các kho, xưởng đông lạnh, nhiệt độ thấp, ẩm là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh. Thứ hai là lối sống, sinh hoạt, ăn uống, vận động của một bộ phận giới trẻ hiện nay không khoa học. Ăn không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống bia rượu… làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu dễ khiến vi khuẩn lao tấn công và gây bệnh.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, những bệnh nhân trẻ đang điều trị tại khoa lao kháng thuốc đều mắc vi khuẩn lao kháng thuốc ngay từ ban đầu. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lây bệnh lao nói chung, lao kháng thuốc nói riêng tiềm ẩn trong cộng đồng vẫn còn rất nhiều. Đây là thực trạng đáng lo ngại vì nếu bệnh nhân mắc lao không được phát hiện, chữa trị và quản lý điều trị sẽ lây lan rộng ra cộng đồng. Ở độ tuổi sức khỏe đang sung sức, cơ hội thăng tiến, phát triển kinh tế rộng mở mà mắc bệnh lao, căn bệnh vẫn còn chịu sự kì thị của cộng đồng, sẽ khiến những người trẻ tuổi hụt hẫng, chán nản và bi quan, giảm niềm tin vào cuộc sống. Do đó, các bạn trẻ cần ý thức hơn nữa trong việc phòng chống bệnh lao, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc ở nơi tập trung đông người.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định phê duyệt chiến lược phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phải thanh toán bệnh lao. Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021 (24/3), Chương trình chống lao quốc gia đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức chiến dịch truyền thông với chủ đề "Việt Nam chiến thắng COVID-19. Chấm dứt bệnh lao".

Theo các bác sĩ chuyên khoa, do bệnh lao và COVID-19 có những đặc điểm tương đồng nên công tác phòng chống lao cũng cần phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt như công cuộc phòng chống COVID-19 thì Việt Nam mới có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra là thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng; Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi. Nếu tiếp xúc phải đeo bảo hộ cá nhân. Trẻ em cần tiêm vaccine phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

Khi có các biểu hiện như: Ho, khạc đờm nhiều kéo dài trên 2 tuần, gầy, sút cân, hay đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, ho ra máu… cần đến bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chữa trị sớm, đúng phác đồ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục