10 nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2018

Tuấn Bảo (tổng hợp), icon
01:25 ngày 04/08/2018

VTV.vn - Theo Tổ chức Y tế thế giới, khả năng năm 2018 các vấn đề thiên tai, dịch bệnh có thể còn tồi tệ hơn nếu các quốc gia không chủ động chuẩn bị, ngăn ngừa và đáp ứng đúng.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine vào ngày đầu tiên của một chiến dịch tiêm chủng sốt vàng ở Kinshasa (Ảnh: WHO).

Dưới đây là 10 nguy cơ bệnh tật đe dọa sức khỏe toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố:

Đại dịch cúm

Một đại dịch cúm mới có thể lại xảy ra là điều khó tránh khỏi. Trong thế giới kết nối hiện nay, sự bùng phát dịch cúm toàn cầu trong tương lai chỉ là vấn đề "khi nào" xảy ra chứ không phải là "nếu" xảy ra. Một đại dịch cúm nghiêm trọng có thể dẫn đến hàng triệu ca tử vong và tiêu tốn hơn 1% GDP toàn cầu. Thế giới đã trải qua một chặng đường dài hàng trăm năm kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết tới 100 triệu người, ngày nay, thế giới đã có đủ phương tiện để phát hiện và phản ứng với dịch cúm khi xảy ra.

Hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng vaccine phù hợp để bảo vệ con người khỏi mắc cúm mùa trên toàn thế giới, hơn 150 viện y tế công cộng tại 110 quốc gia đang làm việc cùng nhau để giám sát và đáp ứng toàn cầu. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới đang theo dõi các mầm bệnh hô hấp khác cũng có nguy cơ cao khác về tiềm năng gây đại dịch, bao gồm cả MERS CoV.

Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nặng do xung đột chiến tranh

Xung đột chiến tranh tiếp tục tàn phá các hệ thống y tế của các nước có liên quan trên toàn thế giới, từ Yemen đến Ukraina, Nam Sudan đến Cộng hòa Dân chủ Congo. Chiến tranh đã tấn công cả các cơ sở y tế và nhân viên y tế. Ở những nơi này, nhiều người chết vì các căn bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được hơn là chết do đạn, bom. Các tổ chức nhân đạo thường khó tiếp cận để cung cấp thực phẩm, nước uống và thuốc men mà người dân vùng chiến tranh đang rất cần sự trợ giúp.

Dịch tả

Sau hơn 2.000 năm kể từ khi bệnh dịch tả được Hippocrates mô tả lần đầu tiên, vi khuẩn tả Vibrio cholerae lại đang phát triển trên toàn cầu mặc dù đây là bệnh dễ dàng ngăn ngừa và điều trị. Dịch tả đã giết chết gần 100.000 người mỗi năm trong cộng đồng bị đói nghèo và xung đột chiến tranh. Trong năm 2017, vaccine dịch tả đã được sử dụng để bảo vệ 4,4 triệu người ở 9 quốc gia: Bangladesh, Cameroon, Haiti, Malawi, Mozambique, Nigeria, Sierra Leone, Somalia và Nam Sudan. Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới đang tiếp tục triển khai các chiến dịch tương tự cùng với việc cung cấp với nước sạch và cải thiện vệ sinh cho người dân tại các nước này.

Bạch hầu

Vaccine bạch hầu thuộc chương trình tiêm chủng thông thường và đã loại bỏ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này ở hầu hết các nơi trên thế giới. Nhưng bệnh bạch hầu đang quay trở lại ở mức đáng báo động ở các quốc gia có những khoảng trống đáng kể trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Năm 2017, các quốc gia như Venezuela, Indonesia, Yemen và Bangladesh (Cox’s Bazar) đều báo cáo bị bùng phát dịch bệnh bạch hầu và đã yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ các hoạt động ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp vaccine và thuốc trị bệnh bạch hầu.

Sốt rét

Mỗi năm, Tổ chức Y tế thế giới ước tính có hơn 200 triệu ca sốt rét trên toàn thế giới, với hơn 400.000 ca tử vong. Khoảng 90% số ca tử vong do sốt rét xảy ra ở Châu Phi vùng cận sa mạc Sahara, số còn lại xảy ra ở Đông Nam Á, Nam Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Địa Trung Hải. Tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, số người chết do sốt rét nhiều hơn do chiến tranh. Các quốc gia khác cũng đang "chiến đấu" với bệnh sốt rét bao gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Somalia.

Thảm họa thiên nhiên

Thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, bão, động đất và lở đất có thể gây ra nỗi đau khổ và gây hậu quả nặng nề lên sức khỏe của hàng triệu người. Trong năm 2017, các cơn bão Harvey, Irma và Maria đã phá hủy dữ dội ở Caribê và Mỹ, gió mùa ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người, và sức tàn phá do lở đất ở Sierra Leone làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tả. Hạn hán ở các nơi đã dẫn đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, bùng phát dịch bệnh, trong khi sóng nhiệt gây tử vong nhiều người, đặc biệt là ở người già.

Viêm màng não

Một chủng não mô cầu mới type C có độc lực đang lưu hành dọc theo vành đai viêm màng não của châu Phi đe dọa 26 quốc gia, tại thời điểm thiếu hụt trên toàn cầu vaccine viêm màng não C. Nguy cơ dịch bệnh quy mô lớn và hơn 34 triệu người có thể bị ảnh hưởng, hơn 10% người mắc bệnh viêm màng não C đã tử vong. Những người sống sót thường phải đối mặt với những di chứng thần kinh. Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác đã hỗ trợ dự trữ khẩn cấp toàn cầu, trong đó có 2,5 triệu liều vaccine viêm màng não C. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới cần thêm 10 triệu liều để ngăn chặn một đại dịch lớn trước năm 2019.

Sốt vàng

Thế kỷ trước đây, sốt vàng đã tàn phá dân số và phá hủy nền kinh tế của nhiều quốc gia. Sau đó, các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã làm giảm đáng kể sự tấn công của loại bệnh nguy hiểm này trên toàn thế giới, nhưng đầu những năm 2000 thế giới lại chứng kiến sự hồi sinh của bệnh truyền nhiễm này ở Châu Phi và Châu Mỹ, với 40 quốc gia được xếp vào nhóm có nguy cơ cao nhất. Năm 2016, dịch sốt vàng ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo được khu trú lại sau khi tiêm chủng hàng loạt cho 30 triệu người. Năm 2018, Nigeria và Brazil đang giải quyết các vụ dịch lớn bộc phát đe dọa người dân đang sinh sống tại khu vực đô thị.

Ngoài ra, các bệnh sốt xuất huyết do virus khác cũng cần khống chế sự lây lan bao gồm bệnh do virus Ebola và Marburg, Sốt xuất huyết Crimean – Congo, Sốt Thung lũng Rift, Sốt Lassa, Bệnh Hantavirus và Sốt xuất huyết Dengue.

Suy dinh dưỡng

Trên toàn cầu, 45% tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới đã phát triển bộ công cụ hướng dẫn cho trẻ em suy dinh dưỡng với các biến chứng. Tình trạng thiếu lương thực sẽ vẫn là một thách thức nghiêm trọng ở khu vực vùng sừng của Châu Phi trong năm 2018. Tại Nam Sudan năm 2018, có 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, và gần một nửa dân số phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tại Yemen, 7 triệu người có nguy cơ suy dinh dưỡng và 17 triệu người vẫn trong tình trạng không an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600 triệu người, chiếm gần 1/10 dân số thế giới, bị bệnh sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, trong số đó đã có 420.000 trường hợp tử vong. Tại Nam Phi, đã có dịch bệnh Listeriaiosis bùng phát lớn nhất thế giới. Năm 2017, một đợt bùng phát bệnh Salmonellosis tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do sử dụng một loại sữa công thức bị ô nhiễm, loại sữa này có thương hiệu của Pháp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục