Thúc đẩy tiêu dùng xanh từ kinh tế tuần hoàn

Đức Chung-Thứ ba, ngày 21/11/2023 16:04 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp và người tiêu dùng đang ngày càng đẩy mạnh các hoạt động tái sử dụng sản phẩm, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Một bộ bàn ghế tái chế được làm từ 10.000 vỏ hộp sữa hoặc 100 - 150 kg rác thải nhựa. Để làm được điều đó, doanh nghiệp đã phải đầu tư dây chuyền công nghệ lên đến 10 tỷ đồng. Thay vì sử dụng gỗ nhựa công nghiệp, việc sử dụng rác thải tái chế giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

"Với quy mô thử nghiệm, sản phẩm gỗ nhựa tái chế của doanh nghiệp chúng tôi hiện đang có mức giá chi phí rẻ hơn 10 - 15% so với gỗ nhựa công nghiệp", bà Đoàn Thị Vân, Quản lý truyền thông, Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam, cho biết.

Còn Tetra Pak Việt Nam trong năm 2022 đã thu gom, tái chế 340 tấn vỏ hộp giấy. Đây là loại vật liệu có giá trị thấp, phần lớn không được tái chế nên doanh nghiệp phải tìm cách trợ giá cho các hợp tác xã, vựa ve chai để khuyến khích thu gom.

"Về lâu dài chúng tôi tin tưởng cần có hệ thống phân loại tại nguồn hiệu quả để giảm chi phí, thay vì có hệ thống riêng biệt để thu gom từng loại vật liệu", bà Lương Thanh Thư, Quản lý Phát triển bền vững, Tetra Pak Việt Nam, cho hay.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh từ kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2024, quy định EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường sẽ chính thức được áp dụng. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ có trách nhiệm tái chế sản phẩm và thu gom, xử lý chất thải. Doanh nghiệp không thực hiện có thể bị phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

"Trong trường hợp người ta không tự tái chế thì đấy là một chi phí bắt buộc đóng cho Nhà nước. Rõ ràng khi đóng cho Nhà nước người ta chuyển gánh nặng tái chế sang cho Nhà nước. Bên cạnh việc chi phí thực tế để tái chế một khối lượng sản phẩm bao bì, cộng thêm khoản chi phí quản lý để Nhà nước tổ chức tái chế giúp cho nhà xuất nhập khẩu", ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định.

Bên cạnh những nỗ lực từ doanh nghiệp, không ít người tiêu dùng cũng đã bắt đầu có những hành động hướng đến tiêu dùng xanh.

"Nếu mình nghĩ đến việc phát triển và tiêu dùng bền vững thì những sản phẩm tái chế có thể sẽ dùng được lâu dài và mình có thể tái đi tái lại sử dụng được", chị Phạm Hoài Thương, TP Hà Nội, chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Ngay từ những hành động nhỏ như giữ lại vỏ hộp sữa sau mỗi lần sử dụng để tái chế, tạo thêm vòng đời mới cho sản phẩm, nhiều người tiêu dùng cũng sẽ đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững

VTV.vn - Kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, góp phần thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước