Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Có thể nói, CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Từ đây một lần nữa, mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta vào thị trường Halal - một thị trường có giá trị khoảng 2.500 tỷ USD.
Thực phẩm Halal là những thực phẩm, những sản phẩm được hiểu "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Với miếng bánh lớn hàng nghìn tỷ USD như thế này khiến ngay cả những quốc gia phi Hồi giáo trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc đều tìm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, với những lợi thế hiện có, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chuẩn bị để tận dụng được thị trường này.
Chứng nhận Halal trên các vỏ hộp sữa được xem là thị thực cho các sản phẩm của doanh nghiệp vào thị trường Hồi giáo vì đơn giản hóa nhiều thủ tục từ vận chuyển đến bảo quản.
Vinamilk cũng có thể được xem là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong nước làm chứng nhận Halal từ gần 20 năm trước. Chính việc đầu tư bài bản và khai thác hiệu quả mảnh đất sản phẩm Halal, Trung Đông và châu Phi đã trở thành thị trường lâu đời và mang về doanh thu ổn định cho doanh nghiệp.
Thị trường Halal hứa hẹn nhiều triển vọng khi tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 6,2%
Ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế - Công ty Cổ phần sữa Việt Nam cho biết: “Đối với thị trường truyền thống, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng về sản lượng hàng năm mức từ 5-10%, ngoài ra những thị trường Hồi giáo lớn như khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia, chúng tôi cũng nhắm tới và có sản phẩm đặc thù để phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo ở khu vực này”.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận Halal. Trong đó, đặc biệt đối với ngành thủy sản, dư địa xuất khẩu cá tra sang khu vực này vẫn tốt.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận định: “Mở thông vấn đề đối với thị trường Trung Đông thông qua khu vực UAE và một số khu vực khác. Rõ ràng đây là một tín hiệu tốt. Nhiều năm thị trường Trung Đông vẫn là thị trường mình đang quan tâm. Trên cơ sở tín hiệu như vậy, năm tới thủy sản sẽ có nhiều cơ hội”.
Theo Bộ Công thương, đối với khu vực thị trường Trung Đông, ngoài hai hiệp định thương mại tự do với Israel và mới nhất là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trong tương lai Việt Nam có thể có thể có các hiệp định thương mại tương tự với các nước ở khu vực này.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công thương nhận định: “Việc đáp ứng các yêu cầu đó có thể còn khá mới với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi, tìm hiểu và nắm bắt quy trình đó, có được những chứng nhận phù hợp theo các yêu cầu của thực phẩm Halal. Lúc đó, chúng ta hoàn toàn mở ra được thị trường mới”.
Thị trường Halal hứa hẹn nhiều triển vọng khi tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 6,2%. Việc Việt Nam từng bước chinh phục thị trường với yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal được nhiều doanh nghiệp đánh giá sẽ khai mở "mỏ vàng" khi dân số khu vực này tiếp tục tăng và thu nhập của người dân cao cùng tốc độ đô thị hóa nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!