Vừa qua, trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai cho biết Đồng Nai hiện đang xây dựng quy hoạch, tăng thêm quỹ đất dành cho khu công nghiệp.
Bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo VTV.
PV: Xin bà cho biết trong năm 2024, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN đã đạt được những kết quả như thế nào?
Bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai: Trong năm 2024, các KCN đặt ra chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 700 triệu đô la Mỹ. Tính đến hết tháng 10, các KCN Đồng Nai đã thu hút được 1.253 triệu đô la Mỹ, đạt 178% kế hoạch của năm. Trong đó thu hút đầu tư mới đạt 721 triệu đô la Mỹ và các dự án tăng vốn thêm 532 triệu đô la Mỹ. Năm 2024, Đồng Nai có được kết quả thu hút đầu tư FDI đạt hiệu quả cao hơn dự kiến do một số dự án mới có vốn đầu tư cao, 18 dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu đô la Mỹ, 11 dự án có vốn đầu tư trên 20 triệu đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, chất lượng dự án cũng được nâng lên khi các dự án thu hút mới tập trung vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
PV: Hiện nay việc thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào các KCN đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, các KCN hình thành sớm, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến trước khi đến Việt Nam. Hiện chủ trương của tỉnh Đồng Nai là tập trung bố trí dự án FDI vào các KCN để tạo điều kiện cho dự án triển khai nhanh đồng thời thuận lợi trong công tác quản lý.
Công nhân làm việc trong 1 nhà máy ở một KCN tại tỉnh Đồng Nai.
Do tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng trong "tứ giác" kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), là điểm kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương nên việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, cảng nước sâu Phước An... Nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọnđầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tận dụng được cơ hội khai thác các tuyến giao thông bằng các tất cả hình thức như đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ phù hợp với mọi nhu cầu.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn nhất quán với phương châm "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", đầy mạnh cải cách hành chính, áp dụng triệt để cơ chế một cửa tại chỗ trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong các KCN.
Tuy nhiên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong công tác thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài. Đó là hiện nay vẫn chưa có Luật KCN. Chính sách pháp luật liên quan đến KCN chưa ổn định; việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" thường xuyên thay đổi dẫn đến xáo trộn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Mặt khác, quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, do một số KCN đã thành lập nhưng vướng bồi thường giải tỏa hoặc các KCN mới chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Việc hạn chế về quỹ đất công nghiệp dẫn đến Đồng Nai mất một số cơ hội thu hút các dự án có quy mô hàng tỷ USD vào các KCN trong thời gian qua.
Công nhân làm việc trong 1 nhà máy ở một KCN tại tỉnh Đồng Nai.
Ngày 3/7/2024,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 KCN đi vào hoạt động.
Để nhanh chóng bổ sung quỹ đất cho KCN, tỉnh đang tập trung thực hiện công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng 14 KCN mới với tổng diện tích khoảng 7.035 ha. Khi các KCN này được phê duyệt quy hoạch sẽ là cơ sở để triển khai việc đề xuất, triển khai xây dựng hạ tầng KCN, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
PV: Ban QLCKCN đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN?
Để tạo thêm quỹ đất công nghiệp sạch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN mới trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023 và 2024 đã có 2 dự án kinh doanh hạ tầng KCN với diện tích 1.253 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp đang tích cực triển khai công tác lập đồ án quy hoạch để nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng, đón các dự án tiềm năng.
Hiện còn một số dự án kinh doanh hạ tầng KCN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, Ban Quản lý các Khu công nghiệp luôn theo sát tiến độ để tham mưu UBND tỉnh có ý kiến kịp thời, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đầy đủ thông tin xử lý, trình Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương đầu tư, mở rộng quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư.
Công nhân làm việc trong 1 nhà máy ở một KCN tại tỉnh Đồng Nai.
Vừa qua, để triển khai Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã chủ động đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện thủ tục lập đồ án quy hoạch xây dựng 14 Khu công nghiệp mới trong danh mục được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 7.035 ha. Đây là cơ sở để đề xuất chủ trương đầu tư thành lập mới các KCN.
Đối với dự án đầu tư vào KCN, Ban Quản lý các Khu công nghiệp hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian triển khai, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Trong quá trình doanh nghiệp triển khai hoạt động, định kỳ 6 tháng/lần, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp các sở, ngành, chính quyền địa phương, công ty kinh doanh hạ tầng KCN tổ chức hội nghị giao ban doanh nghiệp theo khu vực để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn doanh nghiệp gặp phải, tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp để điều chỉnh công tác quản lý cho phù hợp.
PV: Hiện nay công tác quản lý về môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn đang được thực hiện ra sao để kiểm soát, phát hiện kịp thời xử lý những đơn vị vi phạm về môi trường?
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các KCN, từ ngày 01/01/2009 Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai thành lập Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường, hiện tại có 08 biên chế và 8/8 công chức đều có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN còn có Văn phòng Đại diện, nắm tình hình trực tiếp tại các địa bàn nhiều KCN trên toàn tỉnh nhằm giám sát, phối hợp xử lý, khắc phục kịp thời các vấn đề về môi trường phát sinh khác tại các KCN.
Công nhân làm việc trong 1 nhà máy ở một KCN tại tỉnh Đồng Nai.
Ban Quản lý thường xuyên cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về: Thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính; Đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; Các vấn đền liên quan đến KCN sinh thái, kiểm kê khí nhà kính; Kỹ năng, nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kỹ thuật xử lý nước thải công nghiệp… để đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020, phần lớn các doanh nghiệp trong KCN thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường (GPMT) trước 31/12/2024 hoặc 31/12/2026 tùy theo loại thủ tục mà doanh nghiệp đã được cấp trước đây.
Thông qua hồ sơ cấp GPMT đồng thời với định hướng chuyển đổi số, thông tin về các dự án trong KCN sẽ ngày càng hoàn thiện -(trong đó sẽ phân nhóm rõ rệt giữa những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường)- để làm cơ sở để quản lý nhà nước chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!