Doanh nghiệp “chạy đua” áp dụng kinh tế tuần hoàn

Chinh Vũ-Thứ năm, ngày 13/07/2023 15:47 GMT+7

VTV.vn - Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, DN nhận thấy nếu không triển khai kinh tế tuần hoàn, họ sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc năng lực cạnh tranh sẽ giảm.

Để đạt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã cụ thể hóa các chương trình hành động bằng Quyết định 687 về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thực tế trong 1 - 2 năm trở lại đây, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho ra kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư đã lên đến hàng chục triệu USD. Thông tin được chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo "Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Lượng phụ phẩm từ lò đốt trong quá trình sản xuất cà phê hòa tan đang được doanh nghiệp thu gom để làm nguyên liệu tạo ra gạch không nung, là một cách để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện hàng chục nghìn viên gạch được sản xuất theo cách này đã được cung ứng cho các công trình xây dựng.

Chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn chỉ là một mắt xích trong lộ trình cắt giảm 20% lượng phát thải của doanh nghiệp sau 2 năm tới.

Doanh nghiệp “chạy đua” áp dụng kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại cũng phần nào thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Doanh nghiệp tính toán, hơn 2/3 lượng phát thải của doanh nghiệp xuất phát từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, đo đó để mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự đạt hiệu quả, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, kiên trì.

"Khi chúng tôi chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy, chi phí của ống hút giấy cao gấp 3 lần ống hút nhựa, trong khi giá thành bán ra của một sản phẩm không thay đổi. Đó cũng là cam kết lớn từ phía công ty", ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam, cho biết.

Nghiên cứu tại châu Âu cho thấy, các hoạt động kinh tế tuần hoàn giúp GDP tăng 0,5 điểm % và tạo ra 700.000 việc làm mới.

Theo Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại cũng phần nào thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh. Như xuất khẩu gặp khó, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu sản phẩm xanh, chất lượng cao từ các thị trường khó tính.

"Doanh nghiệp nhận thấy, nếu không triển khai kinh tế tuần hoàn, họ sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc năng lực cạnh tranh sẽ giảm vì họ không xuất khẩu được hàng hóa, hoặc chi phí sẽ không tiết kiệm được. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành khác nhau", ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cho hay.

Để nhanh chóng thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi xanh, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị cần chú trọng các cơ chế khuyến khích, đặc biệt là hỗ trợ vốn.

Xu hướng chuyển dịch xanh - Lợi thế cho người tiên phong Xu hướng chuyển dịch xanh - Lợi thế cho người tiên phong

VTV.vn - Chuyển dịch xanh nếu được thực hiện sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu về nhiều hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước