Phát triển logistics toàn diện gắn với đường sắt tốc độ cao

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 12/10/2024 06:09 GMT+7

VTV.vn - Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đưa đường sắt Việt Nam có tương lai phát triển hơn và góp phần hình thành một mạng lưới logistics đa dạng.

Đã từng là lực lượng chủ lực trong vận tải, nhưng đến nay, thị phần của ngành đường sắt chỉ còn khoảng 1%. Vì thế, rất cần tháo gỡ những nút thắt mở ra cơ hội phát triển toàn diện của ngành này.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đưa đường sắt Việt Nam có tương lai phát triển hơn và góp phần hình thành một mạng lưới logistics đa dạng gắn kết với tất cả loại hình vận tải.

Bốc xếp hàng xong vẫn phải chờ, đủ khách để chạy tàu vẫn phải chờ. Tốc độ chậm, thời gian vận chuyển dài. Đó là thực trạng của ngành đường sắt hiện nay. Chỉ có duy nhất một đường ray chạy tàu, nên dù muốn thu hút khách hàng, nâng cao thị phần dường như khó có cơ hội.

Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao được đưa vào khai thác, những đường ray hiện hữu chỉ để chuyên chở hàng hóa. Việc tách rời giữa hành khách và hàng hóa sẽ giúp hàng hóa lưu thông cao gấp bốn lần so với hiện nay. Và đây cũng là điều kiện để logistics của Việt Nam ở mức cạnh tranh hơn.

Phát triển logistics toàn diện gắn với đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Đã từng là lực lượng chủ lực trong vận tải, nhưng đến nay, thị phần của ngành đường sắt chỉ còn khoảng 1%

Ngành đường sắt đang đứng trước một cơ hội mới. Tàu khách vận hành bằng hệ thống đường sắt tốc độ cao. Tàu hàng sẽ được sử dụng hoàn toàn hệ thống đường ray cũ với chiến lược quy hoạch hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Chính Nam - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: "Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt sẽ được kết nối với các hệ thống cảng biển, cửa khẩu, khu kinh tế cũng như các khu công nghiệp. Tính hiệu quả của đường sắt trong logistics sẽ được cải thiện rõ rệt".

Theo dự án, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với quy mô dân số khoảng 10 triệu người, xuyên suốt 17 đô thị có quy mô dân số từ 500.000 người trở lên. Điều này sẽ mở ra không gian và tạo dư địa phát triển mới cho tất cả các địa phương có tuyến đường đi qua.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định: "Bây giờ mà chúng ta phát triển được một hệ thống đường sắt tốc độ cao thì rõ ràng, nó sẽ tạo ra tính kết nối giữa các cực phát triển. Chính kết nối các cực phát triển ấy sẽ tạo nên các điểm hội tụ về hàng hóa, về luân chuyển hàng hóa. Và đó là cơ sở để chúng ta phát triển hệ thống logistics ở Việt Nam".

Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu ý kiến: "Về mặt kinh tế, giúp cho chúng ta kết nối giao thông, qua đó, tăng giao thương hàng hóa cũng như thương mại, dịch vụ, đầu tư và kể cả cơ sở hạ tầng đi theo".

Theo tính toán, trên toàn tuyến sẽ có 23 ga khách và 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá. Với mức độ lưu thông nhanh, thuận tiện sẽ là điều kiện để hình thành các điểm giao thương quan trọng trên trục kinh tế Bắc - Nam. Đồng thời phát huy thế mạnh về công nghiệp, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch của nhiều vùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước