Nguy cơ cung vượt cầu khi tăng nóng diện tích sầu riêng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 03/06/2024 15:04 GMT+7

VTV.vn - Việc tăng nóng diện tích sầu riêng đã bắt đầu để lại hậu quả ngay từ đầu vụ.

Nhiều hệ lụy khi nông dân ồ ạt trồng sầu riêng phá vỡ quy hoạch

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành, nông dân ồ ạt trồng sầu riêng. Tình trạng này đang nóng lên khi ở một số địa phương, diện tích trồng loại cây này đã tăng cao và phá vỡ quy hoạch. Việc tăng nóng diện tích sầu riêng đã bắt đầu để lại hậu quả ngay từ đầu vụ.

Nông dân tăng diện tích trồng nên doanh nghiệp này dự kiến tăng gấp đôi sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, 50 tấn sầu riêng vừa thu mua về đã không đạt chuẩn. Nguyên nhân do nông dân mới trồng nên chưa chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ông Võ Tấn Lợi - Giám đốc Công ty Phương Ngọc, Cái Bè, Tiền Giang cho biết: "Cắt sầu riêng về không có vườn nào đạt 100%. Tỷ lệ cho phép là 5 - 10%, Nhưng hiện nay, sầu riêng của Việt Nam đang thu hoạch không phải 5- 10% mà thậm chí sầu riêng không đạt tiêu chuẩn lên đến 20%, có thể hơn nữa".

Giá sầu riêng liên tục lập đỉnh, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, từ 32.000 ha năm 2015 đã lên hơn 150.000 ha vào năm 2023. Điều lo nhất hiện nay là nông dân chủ yếu trồng tự phát, không theo quy hoạch nên nguy cơ cung vượt cầu, ùn ứ khi vào vụ rất dễ xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai chia sẻ: "Chuyển đổi cây trồng này chúng tôi theo cảm giác, chứ không có định hướng nào. Nên từ chỗ đó chúng tôi cũng rất sợ. Sợ sau khi mình trồng quá nhiều, mà không bán được như cây bưởi thời gian vừa qua".

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, huyện Định Quán, Đồng Nai nhận định: "Chủ yếu phát triển ồ ạt từ năm 2017 cho đến nay. Năm 2017, diện tích 60 ha thì hiện nay đã lên tới 2.600 ha. Cây sầu riêng được cho là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao và giá cả cũng tương đối cao. Do đó, bà con nông dân tự phát và phát triển ồ ạt diện tích".

Theo chuyên gia, việc nông dân ồ ạt trồng mới sầu riêng mà chưa xác định được nhu cầu trong nước, nhu cầu xuất khẩu thì nguy cơ rủi ro mất giá, dồn hàng rất cao. Bài học này đã từng xảy ra với nhiều nông sản Việt.

Nguy cơ cung vượt cầu khi tăng nóng diện tích sầu riêng - Ảnh 1.

Việc tăng nóng diện tích sầu riêng đã bắt đầu để lại hậu quả ngay từ đầu vụ

Tìm hướng đi phát triển bền vững cho sầu riêng

Sầu riêng đang bước vào chính vụ. Hiện sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ giá chỉ bằng 1/3 so với đỉnh cao từ đầu năm. Hệ lụy từ phát triển nóng đè nặng lên ngành hàng tỷ đô khi bây giờ sầu riêng tại các quốc gia khác cũng đang vào vụ thu hoạch rộ. Lúc này, hàng loạt các giải pháp đang được tích cực triển khai.

Tập trung trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn Vietgap, 32 hộ dân này đã chính thức thành lập tổ hợp tác xã. Với nông dân có diện tích nhỏ lẻ, cùng liên kết với nhau là giải pháp bước đầu để các hộ dân có được mã vùng trồng, cũng đang là hướng mở giúp nông dân có cơ sở đầu tiên tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu hàng hóa.

Ông Phạm Trung Việt - Chủ nhiệm HTX cây sầu riêng 94, huyện Định Quán, Đồng Nai cho biết: "Trước mắt đa số bán cho thương lái. Thương lái vào trả được giá thì mình bán. Còn giờ mình liên kết, các doanh nghiệp, các mối lớn tập trung hơn thì mình ổn định hơn".

Ở góc độ sản xuất hàng hóa, nông dân trồng và doanh nghiệp xuất khẩu tạo thành chuỗi liên kết cung cầu là một trong những hướng đi bền vững cho sầu riêng. Đây là nhức nhối của ngành sầu riêng trong bối cảnh mặt hàng sầu riêng sôi động về giá cả, chất lượng, sản lượng. Các giải pháp liên kết này cần được nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý tìm nút thắt để tháo gỡ hướng tới xuất khẩu bền vững.

Ông Huỳnh Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nêu ý kiến: "Đầu tiên, chúng ta phải tính đến khâu tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp kết nối theo tiêu chuẩn thị trường. Ở Bến Tre, chúng tôi tập trung vào để làm chuỗi giá trị, phải đảm bảo được từ khâu đầu đến khâu cuối".

Trong khi đó, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Duy trì phát triển ngành hàng sầu riêng này, công tác thể chế, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn. Một là một xây dựng các quy trình, đặc biệt là khâu thu hoạch hiện nay đang có vấn đề. Xác định thời điểm thu hoạch để đảm bảo chất lượng sầu riêng tốt nhất theo đúng quy chuẩn quốc tế và theo đúng quy định của nước nhập khẩu".

Chiếm tỷ trọng cao tới gần 50% và luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam, dự kiến, năm nay xuất khẩu rau quả dự kiến mang về 6,5 tỷ USD, đóng góp quan trọng này đang đặt kỳ vọng vào sầu riêng đang trúng mùa, nông dân mở rộng diện tích. Để tăng sức cạnh tranh khi sầu riêng các nước khác cũng đang vào mùa vụ, Bộ Nông nghiệp đang xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi để có cơ sở giúp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm về chất lượng sầu riêng, qua đó đảm bảo uy tín ngành hàng.

Quan điểm của ngành Nông nghiệp từ trung ương tới địa phương là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước