Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 14:32 GMT+7

VTV.vn - Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Cũng là điều kiện để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu và an ninh lương thực.

6 tháng qua, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được kết quả tích cực nhờ chủ động có các giải pháp ứng phó với hạn mặn, dịch bệnh chăn nuôi và chi phí đầu vào. Bên cạnh giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái thì việc ổn định giá lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước cũng được chú trọng bằng đảm bảo nguồn cung.

6 tháng đầu năm cả nước đã gieo cấy được hơn 5 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch đạt trên 23 triệu tấn, bằng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với chăn nuôi khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng; riêng chăn nuôi nông hộ gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, tổng đàn lợn của cả nước đạt hơn 25,5 triệu con, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đàn gia cầm tiếp tục phát triển ổn định do công tác tiêm phòng dịch bệnh tốt nên không có dịch bệnh lớn xảy ra, đạt hơn 560 triệu con, tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng phát triển ổn định khi 6 tháng đầu năm sản lượng thủy sản ước đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá đạt hơn 3 triệu tấn, sản lượng tôm đạt gần 600.000 tấn.

Giải pháp ổn định lương thực thực phẩm

Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào - Ảnh 1.

Giá thịt gà giảm sâu cũng ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Với nguồn cung ổn định đã là cơ sở để Việt Nam chớp được cơ hội giá cao từ thị trường xuất khẩu, nhất là mặt hàng gạo. Tuy nhiên, với 6 tháng cuối năm, khi lương thực thực phẩm là 1 trong 2 lĩnh vực chiếm 70% lạm phát đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ.

Ổn định giá thức ăn chăn nuôi là một mục tiêu lớn để đáp ứng cho tái đàn. Theo các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay giá đậu tương, lúa mì và ngô đều có mức giảm khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể giá đậu tương nhập khẩu bình quân đạt 562 USD/tấn, giảm hơn 19%. Giá lúa mì nhập khẩu bình quân đạt 276 USD/tấn, giảm hơn 23%. Giá ngô nhập khẩu bình quân đạt 252 USD/tấn, giảm hơn 24%. Tuy nhiên với thị trường 6 tháng cuối năm, mức giảm sẽ khó duy trì bởi tác động của các yếu tố bên ngoài.

Việc tỷ giá đồng USD tăng mạnh trong 2 tháng gần đây đã tạo áp lực lớn về chi phí khi 80% nguyên liệu và phụ giá sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Vì thế vấn đề lớn đặt ra cho 6 tháng cuối năm cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là phát triển nguyên liệu trong nước. Đây là cơ sở để ổn định giá với các sản phẩm chăn nuôi.

Lứa gà này của chị Hợp chỉ còn nửa tháng nữa là xuất bán. Nếu theo giá thị trường từ đầu năm thì người nuôi gia cầm là không có lãi. Vì thế để duy trì đàn, nhất là cho nhu cầu cuối năm thì chị đang trông chờ vào sự ổn định của giá giống, thức ăn.

"Cám mọi năm 330-340/bao, năm nay chỉ trên dưới 300. Nhưng giá thịt thì vừa rồi giảm sâu", chị Đào Thị Hợp, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương chia sẻ.

Dịch tả lợn châu phi đã là một thách thức lớn trong duy trì nguồn cung cho thị trường khi từ đầu năm đến nay 42 tỉnh đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn. Tuy nhiên với việc doanh nghiệp lớn nắm giữ chủ yếu nguồn cung sẽ là một thuận lợi để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Dabaco cho hay: "Trước kia trong ngành chăn nuôi, các hộ nông dân đang khoảng 60%, doanh nghiệp 40%, nhưng hiện tại ngược lại doanh nghiệp khoảng 70%, các hộ nông dân 30%. Với doanh nghiệpp tham gia chăn nuôi với quy mô như hiện nay người ta đảm bảo an toàn sinh học rất tốt. Thứ 2 là chăn nuôi tập chung kiểm soát được dịch bệnh, hầu hết các đơn vị chăn nuôi đều có sản xuất tự cung thức ăn nên kiểm soát được giá thành rất ổn, năng suất rất cao".

Bên cạnh đảm bảo nguồn cung chăn nuôi thì từ nay đến cuối năm, các vụ lúa đều được đánh giá là thuận lợi. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, việc giá lúa gạo tăng cao, nông dân sản xuất bất chấp khuyến cáo dẫn đến thiệt hại là điều cần chấn chỉnh để không ảnh hưởng nguồn cung.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào - Ảnh 2.

Các vụ lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là thuận lợi, Ảnh: Gia Bảo

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Gieo không đúng thời vụ, gieo thêm thời vụ có tác động ảnh thiệt hại do xâm nhập mặn, đây là cái chúng ta phải rút kinh nghiệm, phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành".

Việc có được nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đây cũng là điều kiện để ngành nông nghiệp hoàn thành cả hai mục tiêu xuất khẩu và an ninh lương thực.

Từ nay đến cuối năm cả nước còn gần 5 triệu tấn gạo hàng hóa để phục vụ thị trường. Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc, tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30% dân số thế giới. Hiện gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Vì thế với các quốc gia đang duy trì xuất khẩu như Việt Nam thì việc cân đối để có giải pháp thị trường phù hợp là rất cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước