Giá xuất khẩu gạo tăng mạnh, doanh nghiệp có hết lo?

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 15/06/2024 08:27 GMT+7

Xảy ra nghịch lý doanh nghiệp gạo càng xuất nhiều càng thua lỗ

VTV.vn - Giá xuất khẩu gạo tăng mạnh, tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn lo nhiều hơn mừng vì có những bước đi mạo hiểm, rủi ro. dự báo sai và thiếu thông tin về thị trường.

Xuất khẩu gạo tăng tới 33,6% về giá trị

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhu cầu lương thực nhiều quốc gia tăng mạnh. Với những lợi thế, tiềm năng lớn, xuất khẩu gạo của nước ta liên tục tăng, về cả sản lượng và giá trị.

Giá xuất khẩu gạo tăng mạnh, doanh nghiệp có hết lo? - Ảnh 1.

Xảy ra nghịch lý doanh nghiệp gạo càng xuất nhiều càng thua lỗ

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2024, nước ta xuất khẩu gần 4,03 triệu tấn gạo, thu về 2,56 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 11,2% về lượng nhưng tăng tới 33,6% về giá trị.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay, dự kiến nước ta sẽ xuất khẩu từ 7,5 đến 8 triệu tấn gạo. Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước hoạt động xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Đáng chú ý, thống kê cũng cho thấy, giá bình quân trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện xuất khẩu gạo sang 2 thị trường Philippines và Indonesia chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 61% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.

Trong 5 tháng qua, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chính đều tăng trưởng dương. Đơn cử, nước ta đã xuất khẩu sang Philippines trên 1,83 triệu tấn gạo, giá trị đạt hơn 1,14 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 47,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Philippines tiếp tục giữ vị trí khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong 5 tháng qua. Cũng trong 5 tháng, xuất khẩu gạo sang Indonesia tiếp tục bùng nổ, khối lượng đạt 676,8 nghìn tấn và thu về 424,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm , xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh 83,4% về lượng và tăng tới 133,8% về giá trị.

Nhiều doanh nghiệp phấn khởi vì lợi nhuận tăng cao khi giá gạo tăng. Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giá lúa gạo thời gian qua liên tục thiết lập mặt bằng mới nên nhà sản xuất và doanh nghiệp đều đạt mức lợi nhuận tốt hơn.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng và hiệp hội, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc. Bởi trong khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao thì nguồn cung gạo toàn cầu lại không dồi dào. Nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm bốn triệu tấn so với niên vụ trước, còn 132 triệu tấn. Ngoài ra, các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Nhiều rủi ro khó tránh khỏi

Mới đây, Chính phủ Philippines đã thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028. Quyết định trên nhằm mục đích hạ giá gạo và giúp gạo có giá cả phải chăng hơn đối với đại đa số người dân, nhất là dân nghèo ở Philippines. Mức thuế này cũng hỗ trợ các nhà nhập khẩu có thể mang nhiều gạo hơn về từ thị trường thế giới. Theo các doanh nghiệp, với chính sách giảm thuế của Philippines, người tiêu dùng của quốc gia này sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Bởi nhà nhập khẩu nếu đóng thuế cao họ sẽ bán gạo giá cao và ngược lại.

Còn với Việt Nam, việc giảm thuế như nêu trên có thể giúp doanh nghiệp bán gạo giá cao hơn, nhất là khi nguồn cung thế giới có xu hướng khan hiếm hơn. Nếu doanh nghiệp Việt nâng giá bán gạo thêm 10 - 20 USD/tấn, thì giá thành nhập khẩu của Philippines vẫn thấp hơn so với thời điểm áp thuế 35%.

Theo các chuyên gia, việc dự báo thiếu chính xác về thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam "lãnh đòn" khi có biến động về giá. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khi chưa có hàng trong tay vẫn chạy đua ký hợp đồng, dẫn đến khi giá lúa đầu vào tăng, doanh nghiệp trở tay không kịp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu xuất khẩu và giá gạo tăng cao, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng đơn vị.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Tiền Giang chia sẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam thường ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thua lỗ vẫn phải thực hiện hợp đồng để giữ uy tín với bạn hàng, để duy trì hoạt động. Vì vậy, giá gạo xuất khẩu tăng, nhiều doanh nghiệp lo chứ không phải vui mừng như nhiều người nhận định.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo càng xuất nhiều càng thua lỗ là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan dẫn đến dự báo sai.

Bên cạnh đó, giá gạo nội địa liên tục biến động khiến doanh nghiệp không tính toán được tương lai. hi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác, dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần tăng thêm thua lỗ. "Việc giá gạo trong nước và thế giới liên tục biến động trong thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không thể tăng giá vì làm  sẽ mất khách hàng, mất thị trường. Giá lúa gạo biến động khiến các chuỗi liên kết bị đứt gãy hoàn toàn, kéo theo đó doanh nghiệp sẽ e ngại khi đầu tư giống trong vụ mới. Bởi lẽ khi đầu tư giống xong đến thời điểm thu hoạch, giá tăng cao, người dân lại bán ra bên ngoài. Đây là những rủi ro mà các doanh nghiệp liên kết khó tránh khỏi trong thời gian tới", ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ may (Đồng Tháp) cho biết.

Ở một khía cạnh khác, thực tế cho thấy, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng doanh nghiệp vẫn chọn mua gạo qua thương lái thay vì liên kết với nông dân để mua lúa. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục bất cập này. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; Tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn để doanh nghiệp có thể mạnh dạn để đầu tư và phát triển bền vững vùng nguyên liệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước