Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Năm tới, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD. Thực hiện Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ năm 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!