Mỳ ăn liền Việt Nam đón tin vui

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 14/06/2024 09:26 GMT+7

VTV.vn - Ngày 12/6, Ủy ban Châu Âu đã công bố thông tin đưa mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm vì đã đáp ứng các quy định.

Từ đầu năm 2022, Liên minh Châu Âu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp với bún, miến và các sản phẩm từ gạo, gọi tắt là mỳ ăn liền của Việt Nam do nguy cơ nhiễm chất Ethyline Oxide, một chất dùng để bảo quản có trong gói gia vị. Từ đó cho đến nay, các doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền của Việt Nam, đã cố gắng cải thiện chất lượng sản phẩm, từng bước giảm tỉ lệ kiểm soát tại cửa khẩu EU từ 50% xuống 20%.

Và tin vui đã đến khi ngày 12/6, Ủy ban Châu Âu đã công bố thông tin đưa mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm vì đã đáp ứng các quy định.

Từ ngày 2/7, mỳ ăn liền Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU sẽ không còn bị kiểm tra tại cửa khẩu và không cần kèm theo Chứng nhận An toàn thực phẩm với mỗi chuyến hàng. Đây là kết quả từ nỗ lực của Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu sang EU.

Ông Dương Xuân Diêu - Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết: "Các doanh nghiệp ý thức được vấn đề muốn xuất khẩu được thì phải đáp ứng quy định của EU. Người ta kiểm soát quy trình, công nghệ cũng như nguyên liệu đầu vào. Tất cả các sản phẩm vào EU đều không có hàm lượng Ethylene Oxide thì khi đó mới thuyết phục được Ủy ban châu Âu EU loại khỏi danh mục nhập khẩu vào EU không kiểm soát".

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thành lập đoàn công tác, đi kiểm tra các doanh nghiệp bị cảnh báo nhiễm Ethylene Oxide. EU liên tục kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm như trước đây, do vậy đã dỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát mỳ tôm xuất khẩu vào EU trong thời gian sắp tới".

Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi tháng có khoảng 60.000 tấn mỳ ăn liền được sản xuất tại Việt Nam, khoảng 50% trong số đó được xuất khẩu đi nước ngoài. Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ giúp mì ăn liền thuận lợi hơn trong mục tiêu tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước