Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Nghị quyết nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, có rất nhiều chỉ đạo, rất nhiều giải pháp được Chính phủ giao cho các bộ ngành và địa phương. Và riêng trong lĩnh vực đầu tư, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Và để có thêm nguồn vốn cho mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Vì sao lại là con số 100.000 tỷ đồng? Khi năm nay, lượng vốn đầu tư công dành cho nền kinh tế cũng không phải là nhỏ. Hơn 657.000 tỷ đồng, chủ yếu cho hạ tầng giao thông.
Quan sát trên thực tế cho đến thời điểm này, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm cho đến nay tương đối tích cực. Tính đến hết tháng 5, đã hoàn thành được 22,34% giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, một số dự án lớn trong lĩnh vực giao thông có khả năng thiếu vốn trong năm nay, trong khi việc điều hoà vốn từ các dự án chậm giải ngân có thể không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, chúng ta còn dư địa bổ sung thêm vốn. Đây có thể coi là đòn bẩy, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho biết: "Trong thời điểm này, lãi suất vẫn còn khá thấp. Phát hành trái phiếu Chính phủ 5 năm, 10 năm, lãi suất khoảng 2-3%, chúng ta cần phải tranh thủ giai đoạn này khi lãi suất thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, chúng ta phát hành trái phiếu để tận dụng chi phí vốn rẻ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì sức lan toả của cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế rất quan trọng".
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo sát sao
TP. Hồ Chí Minh đổi mới cách làm, thúc đẩy dự án trọng điểm
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo sát sao và các địa phương thực hiện rốt ráo trong suốt những năm qua. Để thúc đẩy được các dự án trọng điểm quốc gia, nhiều địa phương đã linh hoạt đổi mới cách làm, chủ động thủ tục, nguồn vật liệu từ sớm từ xa.
Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện đã nhận bàn giao hơn 90% mặt bằng cần có. Các nhà thầu đang trong giai đoạn di dời, tái lập hạ tầng kĩ thuật để có thể chuẩn bị khởi công một số gói thầu chính vào đầu năm sau. Đây sẽ một trong những dự án trọng điểm có ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh trong năm nay.
Các tuyến metro, cùng với đường Vành đai 3 nằm trong nhóm dự án trọng điểm chiếm hơn 60% vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh trong năm nay. Đến nay dự án thành phần 1 Vành đai 3 đạt 70% khối lượng xây lắp. Dự án thành phần 2 đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng hơn 98%.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết sẽ tập trung đề xuất các cơ chế đặc thù để chuẩn bị đầu tư, tách phần giải phóng mặt bằng làm riêng, tiếp tục đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án.
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tp. Hồ Chí Minh nhận định: "Sở Giao thông phối hợp với các địa phương, các sở ngành, để triển khai nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, làm sao đảm bảo được tiến độ".
Để đảm bảo nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng cơ chế đặc thù để có được nguồn cát hỗ trợ từ một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt dự kiến có thể khai thác một số mỏ tại Tiền Giang từ tháng 6 này với trữ lượng 7 triệu m3 cát.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Về tổng trữ lượng cung cấp cho Dự án vành đai 3, chúng ta đang chuẩn bị khối lượng gấp đôi nhu cầu. Tuy nhiên, bài toán hiện nay là thủ tục và thời gian để các mỏ này đến được công trường Vành đai 3 đúng theo tiến độ mong muốn".
Qua 5 tháng, giải ngân đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ vượt mốc 10% kế hoạch vốn. Áp lực giải ngân lượng vốn còn lại là rất lớn. Thành phố đang tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh ủy quyền nhiều thủ tục cho cấp quận, huyện để tăng tính chủ động, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Một khi đầu tư công vào hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ: Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư
Trên thực tế, chi phí logistic của Việt Nam chiếm khoảng 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung là 10,6% của toàn thế giới. Nút thắt logistics một khi được giải quyết, sẽ là điểm cộng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự án đường vành đai 4, tuyến đường vành đai có vai trò kết nối liên vùng kinh tế trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ngoài ra, việc phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông nội tỉnh sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển và tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư.
Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Tường chia sẻ: "Tuyến đường 285B kết nối khu vực từ trung tâm thành phố lên khu công nghiệp Yên Phong, nơi mà chúng tôi đặt dự án có khoảng cách là hơn 4 km, hiện nay cũng đang được tỉnh ráo riết thi công. Do vậy, việc quy hoạch đồng bộ là cực kỳ quan trọng để giúp cho một dự án thành công".
Công tác quy hoạch cũng đang dần hoàn thiện, làm cơ sở thu hút và triển khai các dự án đầu tư.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội về việc hoàn thành các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đang có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư".
Ngoài ra, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tại Nghị quyết phiên họp tháng 5, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Dự kiến, 4 nhóm doanh nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ từ Quỹ này. Toàn bộ xoay quanh các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ cao. Hình thức có thể sẽ là hỗ trợ một số loại chi phí cho doanh nghiệp như: chi phí sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí đầu tư tài sản cố định…. Đây là chính sách giúp tăng cường củng cố và làm hấp dẫn hơn môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm kích thích thêm dòng vốn tư nhân
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến: "Có lẽ chúng ta cần có những ưu đãi mạnh mẽ hơn cho những nhà đầu tư tạo ra ảnh hưởng, cam kết lớn hơn ở Việt Nam. Chẳng hạn, nếu một nhà đầu tư nước ngoài tự nghiên cứu phát triển, có thể hỗ trợ ở mức khác. Nhưng nếu nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ và họ lại liên kết với một viện hoặc một trường đại học ở Việt Nam để nghiên cứu phát triển thì chắc chắn đối tượng thứ hai này, mức độ lan tỏa, mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn. Và nhà đầu tư này cần phải ưu tiên hơn".
Cứ một đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Con số này được đưa ra bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tầm quan trọng của dòng vốn mồi này.
Hàng loạt chỉ đạo, giải pháp đã được Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gần đây nhất là Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ cho thấy tinh thần quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!