Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/05/2024 06:53 GMT+7

VTV.vn - Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 16,41% tổng kế hoạch năm 2024, tăng so với cùng kỳ năm trước

Gần 689.000 tỉ đồng vốn đầu tư công đã triển khai phân bổ chi tiết tới các Bộ, cơ quan Trung Ương và địa phương, đạt hơn 103% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bao gồm cả ngân sách Trung Ương, vốn nước ngoài và ngân sách địa phương. Ước tính đến hết tháng 5, thanh toán giải ngân sẽ đạt 22,34% kế hoạch, với hơn 148.000 tỉ đồng, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, bên cạnh các địa phương đạt tỉ lệ giải ngân cao, còn tới 316 dự án có tỉ lệ giải ngân bằng 0 và được công khai điểm tên trong danh sách mới nhất của Bộ Tài chính. Giải pháp linh hoạt điều chỉnh vốn đã được tính đến.

Vành đai 4 Vùng Thủ đô, hiện tổng vốn đã đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng. Hà Nội có 42 dự án trọng điểm, đa số sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nên mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt tối thiểu 95% kế hoạch là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đứng đầu về giá trị ngân sách tồn đọng lên tới 4.640 tỷ đồng. Tiếp đến là Lâm Đồng 1.077 tỷ đồng rồi Đồng Nai, Cần Thơ, Phú Yên.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 16,41% tổng kế hoạch năm 2024, tăng so với cùng kỳ năm trước. Có 7 Bộ, cơ quan Trung Ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Nhưng vẫn còn 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%, và 7 bộ, cơ quan Trung Ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Có tới 316 dự án tại các địa phương có tỉ lệ giải ngân bằng 0, được công khai trong danh sách mới nhất từ Bộ Tài chính. Đứng đầu là tỉnh Điện Biên, với 105 dự án, chiếm 1/3 tổng số dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào. Kế đến là Sơn La, Hoà Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn.

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết: "Qua phân bổ, chúng tôi cũng thấy một số địa phương chưa nghiêm túc trong việc thực hiện. Vẫn còn một số địa phương phân bổ không đảm bảo đúng nguyên tắc tiêu chí. Chúng tôi cũng yêu cầu phải có phân bổ đảm bảo đúng quy định hoặc một số địa phương phân bổ không đúng thời gian quy định".

Công khai danh sách các dự án giải ngân 0 đồng tại các địa phương để có cơ sở đốc thúc, tìm rõ nguyên nhân, làm cơ sở quan trọng để tính toán giải pháp linh hoạt điều chuyển vốn không chỉ giữa các dự án, mà còn cả giữa ngân sách Trung Ương và ngân sách địa phương.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu nơi thừa. Rõ ràng, nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao giải ngân hết được đồng tiền, không được ôm tiền, giữ tiền".

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến: "Rõ ràng, đây là thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của địa phương và thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm để chúng ta sớm đưa các dự án đầu tư công vào phát huy, tăng hiệu quả, không phụ thuộc, trông chờ và các yếu tố như nguồn đầu tư ở cấp trên hoặc trông chờ vào các nguồn khác".

Để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 95% năm nay như Chính phủ đưa ra thì vẫn còn rất nhiều thách thức. Không để hồ sơ nào bị quá hạn thanh toán, Kho bạc Nhà nước Việt Nam hiện cũng đang chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến và nâng cao ý thức chấp hành công vụ để rút ngắn hơn nữa quá trình đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước