Giải ngân vốn đầu tư công: Không được ôm tiền mà không làm gì cả

Thùy An-Thứ ba, ngày 14/05/2024 11:30 GMT+7

VTV.vn -Trong 3 tháng đầu năm 2024, số vốn đầu tư công giải ngân được lên tới 80.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 13,7%.

Đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá năm 2023 là một năm đặc biệt với số vốn giải ngân công rất lớn đạt gần 95%. Đây là con số hết sức ấn tượng.

Bước sang 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả 3 tháng đầu năm cho thấy hơn 80.000 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt tỷ lệ hơn 13,7%.

"So với tỷ lệ của cùng kỳ năm ngoái thì chúng ta cao hơn rất nhiều, năm ngoái chúng ta đạt hơn 10%, cao hơn cả về số tương đối và số tuyệt đối", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Phương đánh giá.

Đánh giá các nguyên nhân dẫn đến kết quả, theo ông Phương, các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân thì đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc tất cả các giải pháp trong đó có đầu tư công. Ngoài ra có rất nhiều các Nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.

Giải ngân vốn đầu tư công: Không được ôm tiền mà không làm gì cả - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, các bộ ngành địa phương trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình.

"Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường và chúng ta vẫn thường quen với câu nói mà Thủ tướng vẫn hay nói là "thi công 3 ca 4 kíp", "Vượt nắng  mưa"", ông Phương nói.

Dù giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm là rất tích cực song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân 95% là một nhiệm vụ khó khăn.

Để thực hiện được mục tiêu giải ngân đầu tư công những tháng còn lại năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến việc giám sát và xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là dự án lớn.

Hiện nay, Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đấy là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân…

Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án, chưa có được các thông số.

"Tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải làm nhanh, bởi nếu không làm nhanh được các động tác đó thì dự án sẽ bị đình trệ, nó không liên tục và bị ngắt quãng và nó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân", ông Phương cho biết.

Giải ngân vốn đầu tư công: Không được ôm tiền mà không làm gì cả - Ảnh 2.

3 tháng đầu năm 2024, số vốn đầu tư công giải ngân được lên tới 80.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 13,7%

Nỗi lo thiếu vốn vào cuối năm

Bên cạnh những thách thức để đạt mục tiêu giải ngân trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh nỗi lo về việc cuối năm thiếu vốn. Bởi nếu cứ tiếp tục tốt như thế này, các bộ ngành giải ngân tốt thì rất có khả năng đến cuối năm là hết tiền, tức giải ngân hết sẽ không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân.

Theo ông Phương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo ước tính, năm nay chúng ta có thể thiếu hơn 100.000 tỷ đồng.

Năm nay, nếu tình trạng đó xảy ra, thì có một giải pháp là việc điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, bởi luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu.

"Quan trọng là chúng ta có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì cả. Vì vậy, khâu điều chỉnh, điều hoà kế hoạch là khâu rất quan trọng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trường rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thấy thừa để tổng hợp lại. Đến khi nào có nơi nào thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển đến chỗ đó để giải ngân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước