Khốc liệt phát triển xe điện

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 07/09/2024 13:00 GMT+7

VTV.vn - Không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng, và thực trạng của ngành xe điện cũng vậy

Cơn sốt xe điện trên toàn cầu vài năm trước đã mở đường cho ngành xe điện Trung Quốc đạt được bước tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian qua và vươn lên trở thành một trong những cường quốc về xe điện. Tháng 7 năm nay, lần đầu tiên, thị phần của các sản phẩm xe năng lượng mới (NEV), bao gồm xe điện và xe hybrid lai xăng - điện tại thị trường Trung Quốc đại lục đã vượt qua ngưỡng 50%.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đưa ra dự báo rằng, tổng doanh số bán xe năng lượng mới tại Trung Quốc sẽ đạt 10 triệu chiếc trong năm nay, chiếm gần một nửa tổng doanh số bán ô tô, và cũng cao gấp gần 10 lần, so với mức 1,1 triệu chiếc chỉ mới cách đây bốn năm.

Tuy nhiên, không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng, và thực trạng của ngành xe điện cũng vậy. Mặc dù dự báo doanh số lạc quan tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, thế nhưng chỉ có 2 công ty nội địa của nước này là báo lãi trong quý II/2024. Trong đó BYD lãi ròng khoảng gần 1,3 tỷ USD, còn Li Auto thì chỉ là hơn 150 triệu USD.

Còn lại khoảng 30 đối thủ khác đang phải đối mặt với chặng đường dài để có lãi, thậm chí là thua lỗ nặng. 3 nhà sản xuất xe điện đã công bố thu nhập quý 2 cho đến nay - Xpeng, Zeekr Intelligent Technology và Leapmotor - đã báo cáo khoản lỗ chung là 42,9 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD).

Hay mới nhất, hãng xe điện Great Wall Motor đã phải khai tử 2 mẫu xe điện cỡ nhỏ Black Cat và White Cat, dù bán hơn 20.000 xe/tháng. Nguyên nhân do không thể tiếp tục gánh khoản thua lỗ nặng như thời gian qua.

Cuộc thanh lọc

Khốc liệt phát triển xe điện - Ảnh 1.

Người tiêu dùng được lợi khi có nhiều khuyến mãi từ các hãng xe. Ảnh: TTXVN.

Người tiêu dùng quá thích thú vì được lợi nhất, có nhiều khuyến mãi từ hãng xe, hỗ trợ thuế từ Chính phủ. Xe điện trăm hoa đua nở, nhiều thương hiệu nội địa lớn mạnh. Ngoài các hãng xe vươn tầm thế giới như BYD, Li Auto, Great Wall Motor thì nhiều hãng công nghệ như Huawei, Xiaomi cũng nhảy vào xe điện với những con xe trang bị đầy công nghệ tự lái, tự đỗ, AI hỗ trợ nghe lệnh người lái...

Am tường thị hiếu người dân, đánh trúng tâm lý tinh thần dân tộc và hơn hết là mua xe điện dễ dàng đăng ký lưu hành ở nhiều thành phố bởi chủ trương phát triển xanh của Chính phủ. Đi xe điện giờ rất tiện lợi vì hệ thống sạc khắp nơi. Quan niệm của người trẻ - đối tượng khách hàng chính - các hãng xe Trung Quốc đáp ứng được yếu tố fashion thời trang, công nghệ cập nhật liên tục, điều mà nhiều hãng Âu - Mỹ - Nhật - Hàn chưa bằng.

Và lỗ như là lẽ đương nhiên dành cho các hãng mới gia nhập, những hãng nhỏ, sản lượng thấp - đối với lĩnh vực đòi hỏi vốn cực lớn này. Hãng mới gia nhập Xiaomi - mỗi chiếc Sedan SU7 bán ra 30.000 USD thì lỗ 9.200 USD. Hãng Xpeng, Nio, năm rồi lỗ lần lượt 1,4 - 2,8 tỷ USD. 

Ở cuộc chiến giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc làm chủ cuộc chơi. Cuộc chiến giành thị phần là cuộc chơi của những gã vốn mạnh, chấp nhận trước mắt lỗ hay biên độ lãi rất thấp trong bối cảnh bức tranh tiêu dùng chưa sáng hẳn. Hãng lớn chịu đựng chờ doanh số tăng, hay lấy các lĩnh vực khác nuôi xe điện. Biên độ lợi nhuận của xe ô tô điện tại Trung Quốc năm ngoái chỉ còn 4,3%, bằng 1/2 so với cách đó 8 năm. Nhưng cũng là một cách thanh lọc, buộc những công ty yếu kém phải chịu sáp nhập, hay phá sản. Ngay cả các hãng xe ô tô truyền thống của Nhật, Hàn, Mỹ, Đức cũng gặp khó bởi sự lớn mạnh của các hãng xe ô tô điện của Trung Quốc.

Triển vọng xe điện Trung Quốc tại thị trường nước ngoài

Khốc liệt phát triển xe điện - Ảnh 2.

Mỹ tiếp tục hoãn áp thuế cao lên tới 100% đối với các dòng xe điện "made in China" là một tin vui đối với xe điện Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.

Không chỉ ở thị trường nội địa, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, vốn được biết đến là những người dẫn đầu về năng lực sản xuất và phát triển trên toàn thế giới, cũng thấy khó khăn trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Mặc dù trong tuần vừa rồi, tin vui với các hãng xe Trung Quốc là Mỹ tiếp tục hoãn áp thuế cao lên tới 100% đối với các dòng xe điện "Made in China". Tuy nhiên, áp lực từ chính sách thuế quan của các nước phương Tây khác vẫn chưa hạ nhiệt.

Mức thuế chống trợ cấp cuối cùng của Liên minh châu Âu đối với các nhãn xe điện Trung Quốc đưa ra vẫn từ mức 17% đến 36,3%. Canada cũng chính thức áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc.

Nhiều nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc hướng tới triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng chuyển sang sử dụng xe điện.

Tại triển lãm ô tô ở Jakarta vào tháng 5, các hãng ô tô điện Trung Quốc cho biết sẽ ra mắt thêm nhiều mẫu xe hấp dẫn người tiêu dùng Indonesia. Theo đại diện một số hãng xe, các mẫu xe đến từ Trung Quốc thu hút được sự chú ý lớn tại triển lãm nhờ việc quảng bá các tính năng thông minh hiện đại cũng như mức giá khoảng dưới 30.000 USD, tức dưới 700 triệu đồng, tương đối hợp lý so với thu nhập của người dân Indonesia.

Ông Arthur Kroeber - Đồng sáng lập Công ty phân tích công nghệ Gavekal Dragonomics cho biết: "Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nhìn chung có vị thế khá tốt, khi sản phẩm của họ chất lượng, giá cả thì hợp lý. Vấn đề lớn là họ có thể vượt qua được những thách thức về quy định, chi phí khi họ sẽ buộc phải sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm không phải ở Trung Quốc, mà sẽ là ở các thị trường họ đang cố gắng bán xe hay không".

"Nhu cầu ở thành thị là có, chứ còn khu vực nông thôn vẫn chưa nhiều. Bởi thực tế là cơ sở hạ tầng dành cho xe điện ở cả Đông Nam Á cũng như ở Mỹ Latinh và châu Phi vẫn chưa đủ mạnh. Để thực sự có đủ trạm sạc, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần tính đến bài toán mở rộng chiếc lược", ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho hay.

Do vậy, không chỉ tính đến mỗi phương án xuất khẩu, các hãng xe Trung Quốc còn đang tiến tới xây dựng 1 hệ thống hoàn thiện, và sản xuất ngay tại Đông Nam Á. Hồi đầu tháng 7, BYD - thương hiệu xe điện hàng đầu của Trung Quốc - đã khai trương nhà máy đầu tiên tại Thái Lan với công suất gần 200.000 xe mỗi năm. Các hãng xe khác từ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch mở các nhà máy trong khu vực với tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD.

Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho hay: "Tôi cho rằng ở phần lớn các thị trường trên thế giới, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ vẫn làm khá tốt bằng cách tăng sản xuất ở địa phương. Câu hỏi ở đây sẽ là phần trăm nội địa hóa 1 chiếc xe điện Trung Quốc ở các thị trường sẽ là bao nhiêu? Liệu các công ty Trung Quốc sẽ chỉ chuyển nguyên bộ chi tiết để lắp ráp hay họ sẽ thực sự xây dựng 1 hệ thống nhà cung cấp linh kiện quy mô lớn ở địa bàn. Các nước mà họ tiếp cận chắc chắn sẽ quan tâm đến việc tối đã hóa công đoạn sản xuất tại địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân".

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đều tăng thuế với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Đông Nam Á với tiềm năng thị trường lớn đang trở thành một trong những mục tiêu lớn với các nhà sản xuất Trung Quốc, hứa hẹn đưa thị trường xe điện khu vực này ngày càng cạnh tranh sôi động trong những năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước