Hơn 300 dự án đầu tư công chưa giải ngân vốn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/06/2024 06:47 GMT+7

VTV.vn - Kết thúc 5 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt trên 190.600 tỷ đồng, tương đương gần 27% kế hoạch và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đã gần hết quý 2, nhưng vẫn còn hơn 300 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương sử dụng vốn đầu tư công chưa thể giải ngân. Tất cả các dự án này đều bị Bộ Tài chính công khai danh sách, qua đó thể hiện sự quyết liệt, đi tận cùng vấn đề của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội.

Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc thuộc dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Theo phê duyệt, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cuối năm 2023, dự án đã được bố trí gần 4.200 tỷ đồng, nhưng thời điểm này vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư trong nước đủ yêu cầu. Vì vậy, toàn dự án mới giải ngân được 160 tỷ đồng cho công tác thiết kế.

"Sau khi lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện thì mới có cơ sở để tạm ứng cho nhà đầu tư để thực hiện, thì lúc đó mới thực sự giải ngân đối với dự án thành phần 3", ông Trịnh Văn Thanh - Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai được thành phố Hà Nội khởi công từ đầu năm nay. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng có đoạn chỉ đạt 6%, thậm chí có nơi chưa được bàn giao, cùng với việc thời gian phê duyệt dự án thành phần kéo dài đã khiến tỷ lệ giải ngân vốn hiện chỉ đạt chưa đến 7,5 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Hưng - Ban Quản lý Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, TP Hà Nội cho biết: "Ngoài mặt bằng thì có độ trễ về chính sách, từ tháng 9/2023 đến 4/2024 mới phê duyệt được các dự án thành phần trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ, như vậy đã mất 7 tháng".

Tuy chỉ có 2 dự án nhưng Hà Nội lại chiếm phần cao về giá trị, còn về danh mục thì nhất vẫn là Điện Biên. Ngoài giao thông thì chủ yếu là y tế và giáo dục. Đây là những lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Chậm ngày nào, thì người dân bị thiệt ngày đó.

Tuy những dự án như nói trên chưa theo nhịp chung của cả nước, nhưng kết thúc 5 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công cả nước vẫn đạt trên 190.000 tỷ đồng, tương đương gần 27% kế hoạch và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Điều đó chứng tỏ rằng cái quyết tâm trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công của chúng ta đang có hiệu quả rất tốt, nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn đang vướng phải những khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, thậm trí khó khăn cả về các cơ chế, chính sách mà chúng ta chưa tháo gỡ được".

Tháo gỡ một phần khó khăn, các tổ công tác về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện điều chuyển vốn theo thẩm quyền, giữa các dự án giải ngân kém sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước