Gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu?

Cung Nguyễn-Chủ nhật, ngày 27/10/2024 14:01 GMT+7

Ảnh: Gia Bảo

VTV.vn - Xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm của nước ta đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ, lượng gạo xuất khẩu cũng vượt 7 triệu tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và gần tương đương với kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu cũng vượt 7 triệu tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Thị trường cạnh tranh nhưng sức ảnh hưởng không lớn

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu với gạo trắng thường. Quyết định này ngay lập tức làm tăng nguồn cung gạo cho thị trường quốc tế. Nước ta là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ lệnh cấm này trong 1 năm qua và giờ sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở những thị trường lớn như châu Phi và Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo trắng trở lại và chịu sức ép cạnh tranh từ Thái Lan nhưng gạo Việt Nam hiện nay đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định trên thị trường thế giới nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước, bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao".

Giá gạo trên thị trường thế giới biến động

Gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu? - Ảnh 1.

Việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu gạo theo các chuyên gia sẽ không tác động nhiều đến gạo Việt, tuy nhiên biến động về giá trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ có.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đầu tháng 10, giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á đã giảm mạnh sau khi Ấn Độ nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước trong khu vực. Ghi nhận vào ngày 9/10, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm đến hơn 30 USD/tấn, giá gạo 25% của nước này cũng đánh mất 23 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức giá 538 USD/tấn, giảm gần 20 USD/tấn so với tuần trước đó; gạo 25% tấm ở mức 510 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn. Trước tác động nguồn cung gia tăng từ Ấn Độ, giá gạo dự kiến sẽ còn suy yếu trong những tháng tới.

Các chuyên gia nhận định, giá gạo trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm, gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam cũng sẽ giảm theo nhưng không dưới 500 USD/tấn do áp lực nguồn cung từ Ấn Độ. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu của nước ta đang ở mức cao và nhu cầu nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng cao khi dịp Tết Nguyên đán, giá gạo nước ta có thể sẽ hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

Phát triển bền vững ngành lúa gạo

Gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu? - Ảnh 2.

Việt Nam đang thực hiện việc chuyển đổi ngành lúa gạo và Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được đánh giá "rất tích cực". Ảnh Nguyễn Lê.

Sau 1 năm thí điểm, Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá "rất tích cực". Hiện Bộ đã phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất tại vùng chuyên canh, tập trung nguồn lực để đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 để phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Để phát triển bền vững, ngành lúa gạo nước ta cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển thương hiệu theo hướng "lúa phát thải thấp" để nâng cao giá trị cho mặt hàng gạo xuất khẩu.

Việc Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu rõ ràng sẽ gia tăng sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng có thể chỉ ở mức độ gián tiếp vì hai nước có các khách hàng nhập khẩu truyền thống khác biệt. Thị trường chính của gạo Việt Nam được xuất sang Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Malaysia và Indonesia, nhờ lợi thế địa lý thuận lợi trong khu vực ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước