Ấn Độ bỏ giá sàn xuất khẩu, gạo Việt Nam có bị tác động?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 11:40 GMT+7

VTV.vn - Ấn Độ chính thức gỡ bỏ giá sàn gạo xuất khẩu 490 USD/tấn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này “xả kho”.

Gạo Ấn Độ bỏ áp dụng cơ chế giá sàn

Gạo trắng non - basmati xuất khẩu của Ấn Độ sẽ được bỏ áp dụng cơ chế giá sàn 490 USD/tấn. Đây là nội dung được Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa công bố. Trước đó, ngày 28/9, Ấn Độ chính thức bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non - basmati nhưng áp dụng giá sàn 490 USD/tấn. Việc bỏ cơ chế giá sàn này đồng nghĩa với việc Ấn Độ tự do hóa hoàn toàn hoạt động thương mại gạo.

Với nguồn dự trữ dồi dào, việc Ấn Độ mở cửa cho hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khiến thị trường giảm giá mạnh, đặc biệt là nguồn cung từ các nước như Pakistan, Thái Lan và Myanmar.

Cũng liên quan đến thị trường gạo, Indonesia - nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, vừa tuyên bố hủy chào thầu 340.000 tấn gạo trắng 5% tấm.

Ấn Độ bỏ giá sàn xuất khẩu, gạo Việt Nam có bị tác động? - Ảnh 1.

Vận chuyển gạo tại kho ở Srinagar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu thị trường

Những thông tin trên đã ngay lập tức cũng ảnh hưởng tới giá gạo xuất khẩu trên thế giới. Gạo trắng 5% tấm của Việt Nam giảm 2 USD còn 532 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm 1 USD còn 510 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Ấn Độ là 488 USD/tấn và Pakistan thấp nhất trong 4 nước với chỉ 476 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo của Việt Nam dù có điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới, nhưng vẫn cao hơn các quốc gia xuất khẩu khác. Mức giá này theo các chuyên gia đánh giá vẫn hài hoà được lợi ích của người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng chủng loại là gạo 5% tấm, nhưng theo chuyên gia chất lượng gạo của Việt Nam có ưu thế hơn về độ ngon và mới nên hợp khẩu vị người tiêu dùng hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn gia tăng nhu cầu của các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore…

Ông Hoàng Trọng Thủy - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho biết: "Trung Quốc nhập khẩu gạo trong 3 tháng cuối năm thì cũng giống như ở Việt Nam, người ta rất cần gạo 5% tấm và gạo thường để đưa vào ngành chế biến. Các doanh nghiệp nào mà còn gạo lúc đó nên tận dụng thị trường của Trung Quốc và tìm thị trường ngách thì chúng ta vẫn cứ hướng về Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ".

Ấn Độ bỏ giá sàn xuất khẩu, gạo Việt Nam có bị tác động? - Ảnh 2.

Giá gạo của Việt Nam dù có điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới, nhưng vẫn cao hơn các quốc gia xuất khẩu khác. Ảnh minh họa.

Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngoài mặt hàng gạo trắng, các sản phẩm gạo cấp cao như gạo thơm, gạo dẻo, gạo ST25 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự mở cửa xuất khẩu gạo trở lại của Ấn Độ, do nhu cầu gạo Việt trong phân khúc này vẫn đang duy trì tích cực ở các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc…

"Ở Việt Nam thì các sản phẩm gạo về gạo thơm cũng như gạo phân khúc cao cấp cũng được doanh nghiệp đang mở rộng và phát triển. Vì thế tôi nghĩ là cũng sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp", ông Lê Anh Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực A An đánh giá.

Những tín hiệu tích cực trên cho thấy mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường từ nay tới cuối năm để chủ động chính sách xuất khẩu cho phù hợp, tránh ký hợp đồng bằng mọi giá, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh, vì diễn biến khó lường trước của giá gạo thế giới.

Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới

VTV.vn - Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều gạo hơn trong năm nay và năm 2025, tiếp tục giữ vị trí nước nhập khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước