Doanh nghiệp xoay xở đủ cách để tránh đứt gãy chuỗi logistics

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 15/11/2021 06:25 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp thêm khó khăn khi càng về cuối năm, chi phí logistics càng tăng cao, thậm chí còn tăng theo tuần.

4 tháng qua, cước vận tải biển từ Việt Nam đi các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục tăng gấp đôi. Còn cước đi các nước châu Âu và Mỹ vẫn cao gấp chục lần so với trước dịch.

Công ty TNHH AAB chuyên sản xuất hàng xuất khẩu đi Nhật. Sau giãn cách, công nhân thiếu, nhà máy hoạt động được có 60%, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tính cách để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, bởi đặt chỗ trên tàu vận tải biển lúc này đang rất khó. Hàng phải xong sớm hơn, đặt tàu cũng phải sớm hơn mới có chỗ.

"Trong số các đơn hàng nhà máy đang nhận được hiện nay, chúng tôi chỉ chọn ra được từ 1/3 đến một nửa là những đơn hàng có tiềm năng hoặc những khách hàng lâu năm để tập trung tối đa sản xuất, cố gắng hoàn thành các đơn hàng này trước từ 1 - 2 tuần so với ngày chúng tôi đã ký kết giao cho khách hàng", ông Bùi Tố Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH AAB, cho biết.

Doanh nghiệp xoay xở đủ cách để tránh đứt gãy chuỗi logistics - Ảnh 1.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc có giảm được gánh nặng về chi phí logistics hay không. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Logistics đứt gãy không chỉ gây khó cho đầu ra, mà còn ảnh hưởng tới cả nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Nhằm tránh việc lúc có hàng lúc không, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã nhập sẵn nguyên vật liệu dùng cho quá trình sản xuất về nhà máy, tích trữ đủ dùng cho từ 3 - 4 tháng.

Những phương án chủ động này của các doanh nghiệp sản xuất được đánh giá là rất cần thiết, bởi số chuyến tàu vẫn đang có xu hướng giảm. Trong khi giá cước dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

"Chúng tôi chỉ bán từ đầu tháng đến giữa tháng là hết chỗ trên tàu của cả tháng đó. Như vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhận ra vấn đề là họ phải có kế hoạch sản xuất, phải book chỗ sớm trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì sẽ không còn chỗ để book, mà họ sẽ phải mua lại của thị trường thứ cấp, lúc đó giá sẽ bị đội lên rất cao", Phó Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Logistics Nguyễn Đình Vượng chia sẻ.

Hiện dòng chảy thông tin trong chuỗi cung ứng đang là rất quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp logistics sẽ cung cấp thông tin về vận tải cho doanh nghiệp sản xuất. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần có kế hoạch đơn hàng cụ thể hơn và sớm hơn.

Bộ Công Thương dự báo đến cuối năm Việt Nam có thể đạt được mốc kỷ lục 600 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc có giảm được gánh nặng về chi phí logistics hay không.

Phục hồi các chuỗi cung ứng đứt gãy trong năm 2022 Phục hồi các chuỗi cung ứng đứt gãy trong năm 2022

VTV.vn - Nhìn vào thực tế, có thể thấy, để nền kinh tế phục hồi, cần phải đặc biệt quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước