Chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường Halal

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 04/12/2024 14:30 GMT+7

VTV.vn - Chìa khóa để doanh nghiệp mở cánh cửa vào thị trường này, không gì khác chính là chứng nhận Halal.

Doanh nghiệp Việt tìm đường vào thị trường Halal

Thị trường Halal - thị trường các sản phẩm đạt chuẩn cho người Hồi giáo đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao, dư địa phát triển lớn do dân số theo đạo Hồi ngày càng tăng. Khu vực Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á, được coi là 4 khu vực tập trung phần lớn số lượng người Hồi giáo.

Theo thống kê, hiện nay rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Halal đạt khoảng 150 triệu USD/năm, tương đương với kim ngạch tại thị trường EU. Trong khi đó, nếu xét về quy mô dân số thị trường Halal đông gấp 4 lần châu Âu - với khoảng 2 tỷ người. Và không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường này.

Từ việc xuất khẩu thanh long sang thị trường truyền thống sụt giảm, doanh nghiệp này quyết định đầu tư một hướng đi mới - thị trường các nước Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á.

Và chìa khóa để doanh nghiệp mở cánh cửa vào thị trường này, không gì khác chính là chứng nhận Halal. Và hành trình đưa nước ép thanh long của Việt Nam lên kệ siêu thị tại Malaysia đã mở ra cơ hội kinh doanh mới.

Ông Phạm Cao Vân - Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, cước phí logistics càng ngày càng tăng. Mình nhận thấy các đất nước ở gần Việt Nam là cơ hội cho mình. Mình thấy tiềm năng của các nước này rất lớn nên cố gắng tập trung đầu tư tiềm lực vào những thị trường mới nổi như Malaysia, Indonesia”.

Một mặt hàng tiềm năng khác là thủy sản. Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Vì vậy, với Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam vừa mới ký với quốc gia này, dự kiến con số này sẽ còn tăng lên.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết: "Mở thông vấn đề thị trường Trung Đông thông qua khu vực UAE và khu vực khác. Nhiều năm, thị trường Trung Đông vẫn là thị trường mình quan tâm và trên cơ sở với tín hiệu như vậy, chắc chắn vài năm tới, thủy sản sẽ có nhiều cơ hội".

Theo các doanh nghiệp, bí quyết để cạnh tranh tại thị trường ngoài nắm được chìa khóa là chứng nhận Halal, Việt Nam cần nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và thế mạnh của mình.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: "Đẩy mạnh sản phẩm chế biến: ép nước trái cây, sấy khô, đông lạnh thì chúng ta mới có khả năng cạnh tranh".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định: “Chinh phục được thị trường khó tính nhiều tiềm năng như Halal, khả năng xuất khẩu của chúng ta với quy mô với giá trị sẽ lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện nay”.

Chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường Halal - Ảnh 1.

Hành trình đưa nước ép thanh long của Việt Nam lên kệ siêu thị tại Malaysia đã mở ra cơ hội kinh doanh mới

Nhiều cơ hội cho nông sản Việt

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức gần 1.700 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả.

Tính đến nay, có khoảng 50% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi là sản phẩm Halal. Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal cũng chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này. Theo Bộ Công thương, Việt Nam có thế mạnh ở nông sản (gạo, tiêu, điều, cà phê và các sản phẩm từ dừa), thực phẩm chế biến (thịt gia cầm, thịt bò, sữa) và thủy sản. Tuy nhiên, thế mạnh trên lại chưa được hiện thực hóa thành giá trị. Hiện chúng ta có khoảng 1000 doanh nghiệp có chứng nhận Halal nhưng vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Với miếng bánh lớn hàng nghìn tỷ USD, nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc đều tìm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, muốn có chỗ đứng trong thị trường này, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.

Cần thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn Halal

Hiện nay, chúng ta mới xuất khẩu được khoảng 20 sản phẩm Halal, chủ yếu là nông sản, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Vì thế, việc thiết lập hệ sinh thái Halal đầy đủ tại Việt Nam, doanh nghiệp gặp không ít thách thức.

Để đáp ứng yêu cầu có chứng nhận Halal, sắp tới đây, doanh nghiệp này sẽ phải tuyển nhân lực là người theo đạo Hồi cho một số khâu quan trọng trong quy trình sản xuất để phù hợp với văn hóa người Hồi giáo. Ngoài ra, các khu vực chế biến và đóng gói sản phẩm phải được tách biệt khỏi sản phẩm không phải Halal. Đặc biệt, tất cả khâu giết mổ, chế biến, đóng gói sẽ được giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền Halal hoặc tổ chức chứng nhận để đảm bảo toàn bộ quy trình phù hợp.

Ông Rasmus Damsted Hansen - Giám đốc Khối Thực phẩm De Heus Việt Nam nêu ý kiến: “Khoản đầu tư lớn nhất mà chúng tôi cần thực hiện để trở thành nhà cung cấp đạt chuẩn Halal thực chất nằm ở việc đào tạo con người. Điều quan trọng là đảm bảo đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn cần thiết mà các tổ chức Halal yêu cầu”.

Không chỉ dừng lại ở khâu giết mổ, doanh nghiệp này còn phải chứng minh một chuỗi liên kết sản xuất đáp ứng nhiều yêu cầu theo chuẩn Halal, từ nguồn gốc giống, thành phần thức ăn cho gà, vùng nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Johan Christiaan Van Denban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và châu Á cho biết: “Cố gắng hết sức để người chăn nuôi hiểu được chi tiết những yêu cầu của thị trường nước ngoài. Cuối cùng, nếu họ hiểu được hết thì họ kết nối được, họ sẽ tăng được giá trị sản phẩm đang sản xuất”.

Theo đại diện văn phòng SPS Việt Nam, để kinh doanh thành công tại thị trường Halal, các doanh nghiệp cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa tiêu dùng tại từng thị trường xuất khẩu. Sắp tới, cơ quan này sẽ lập riêng trang thông tin điện tử về thị trường Halal, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt tìm hiểu kỹ hơn về cách thức đưa sản phẩm vào thị trường này.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan của Bộ cũng như các địa phương để phổ biến, cập nhật các quy định của thị trường Halal đến các doanh nghiệp và các bên liên quan mà chúng ta cần quan tâm”.

Với phương châm bán những sản phẩm thị trường cần, các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp đang nỗ lực từng bước vượt qua thách thức để khai phá thị trường Halal tuy còn mới mẻ nhưng lại tiềm năng. Đến nay, Việt Nam đã ký 6/17 Hiệp định thương mại tự do có liên quan đến Halal. Đây cũng có thể là một lợi thế giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hoàn thành các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, từng bước đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước