Căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và phương tây buộc doanh nghiệp đẩy nhanh tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh và theo đuổi chiến lược không liên kết dự báo được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển này.
Ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Khối Giải pháp Thương mại Toàn cầu, HSBC Việt Nam cho biết: "Những thị trường mới nổi như Việt Nam, Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan… đang củng cố vị thế như những nguồn lực sản xuất bổ sung thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất hàng hóa. Họ đang chứng kiến nhiều công ty chuyển chuỗi cung ứng sang thị trường của mình. Ở Trung Đông, những quốc gia như UAE và Saudi Arabia cũng đang tận dụng tốt vị thế chính trị tương đối trung lập, vị trí địa lý trung tâm cũng như vai trò xúc tiến thương mại giữa hành lang Đông - Tây và khu vực Nam bán cầu để bước vào chuỗi cung ứng mới đang được tái cơ cấu hiện nay.".
Sau đại dịch COVID-19, 41% lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu cho biết sẽ ưu tiên thực hiện chuyển đổi chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa.
Các lĩnh vực đang và sẽ chứng kiến làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng mạnh mẽ nhất hiện nay là điện tử, bán dẫn và xe điện.
Ông Brian Lee Shun Rong - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Maybank nhận định: "Khu vực ASEAN đang chiếm khoảng 23% thị phần xuất khẩu bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Malaysia dẫn đầu về chuỗi đóng gói và kiểm thử chip khi tăng từ 1,3% lên 7% thị phần toàn cầu trong giai đoạn 2016 - 2022. Thậm chí, số liệu ghi nhận của chúng tôi thì xuất khẩu bán dẫn của Việt Nam cũng đã tăng tới 300% trong cùng giai đoạn. Rõ ràng việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ngành chip sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn thời gian tới, qua đó tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN nếu biết chớp lấy cơ hội".
Tuy nhiên, không dễ để bước 2 chân vào chuỗi cung ứng sau lần tái cơ cấu này. Bởi sự dịch chuyển này sẽ gắn với sản xuất công nghệ cao và gắn với sự đa dạng hoá về nguồn cung, mở rộng thị trường. Nếu lực lượng lao động địa phương không đáp ứng được hay thiếu các cơ sở hạ tầng, thiếu sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp phụ trợ, cơ hội sẽ chỉ ở trên giấy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!