Những căng thẳng địa chính trị gần đây tại khu vực Trung Đông đã gây áp lực cho nền kinh tế thế giới và buộc các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và vận tải hàng hóa phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Những thay đổi này đã giúp mang đến sự chuyển biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong số các đầu tàu kinh tế lớn, châu Âu được xem là một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nguy cơ xung đột hiện nay ở Trung Đông, bởi đây là điểm đến chính của tuyến vận tải hàng hóa qua kênh đào Suez. Châu Âu cũng là một trong những khách hàng tiêu thụ lớn với các sản phẩm dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng LNG từ Trung Đông.
Ông Rolf Langhammer - Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel, Đức cho biết: "Các nước Eurozone cần Vùng Vịnh để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ của mình. Khi có biến động ở Trung Đông, nguy cơ suy thoái với khu vực châu Âu là không thể bỏ qua".
Trong những năm gần đây, các biến động gây gián đoạn cho nền kinh tế toàn cầu, như dịch bệnh, thuế quan, xung đột quân sự hay tắc nghẽn các tuyến đường biển quan trọng đang ngày càng xảy ra thường xuyên, đòi hỏi các quốc gia và doanh nghiệp tính đến phương án ứng phó.
Một ví dụ là ngành xe điện. Sau các sự cố tắc chuỗi cung ứng và việc EU áp thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc, các hãng xe điện của nước này đang đẩy mạnh sản xuất ngay ở nước ngoài. Trong 1 năm qua, BYD - nhà sản xuất xe điện số 1 Trung Quốc đã dự kiến mở 2 nhà máy tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ để "tấn công" thị trường châu Âu, cũng như khai trương nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á ở Thái Lan.
Lĩnh vực vận tải và logistics thì hướng đến công nghệ như một biện pháp thích ứng nhiều biến động. Nhiều cảng biển, kho hàng hay hãng vận tải, đã bắt đầu đưa vào sử dụng những hệ thống hỗ trợ tự động, sử dụng cả trí tuệ nhân tạo AI, để giúp đơn vị vận hành xử lý hàng hóa hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi và chi phí phát sinh.
Ông Mark Manduca - Công ty điều hành hệ thống logistics GXO cho hay: "Lĩnh vực logistics đang có sự thay đổi đáng kể, không chỉ vì đại dịch, mà còn bởi chi phí nhân công trên toàn cầu đã tăng mạnh. Hệ thống tự động của chúng tôi giúp các nhà kho xử lý hàng hóa nhanh gọn, tiết kiệm không gian, thời gian, từ đó giảm chi phí cho khách hàng. Hệ thống này đang được vận hành ở hơn 900 nhà kho tại 28 nước".
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện không chỉ còn là "chuỗi" mà đã trở thành một "mạng lưới", với nhiều nhà cung cấp từ nhiều trung tâm sản xuất, góp phần giảm bớt những rủi ro cho thương mại toàn cầu những năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!